Cuối thế kỷ 19, Trương Vĩnh Ký được biết đến như một ký giả tiên phong của báo chí viết bằng chữ Quốc ngữ, đồng thời cũng là học giả uyên bác. Cho đến ngày nay, khi nhắc tới tên ông, người đời sau vẫn phải ngả mũ thán phục trước khả năng học ngoại ngữ thuộc hàng thiên tài.
Một số tài liệu và ghi chép về ông cho thấy: Trương Vĩnh Ký có thể sử dụng thành thạo 27 thứ tiếng, trong đó có một số ngoại ngữ thuộc hàng “hiếm” và khó như: tiếng Latin, tiếng Hy Lạp…
Sinh thời, ông dành rất nhiều tâm huyết cho việc phát triển báo chí bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Được sự đồng ý của chính quyền bảo hộ, Trương Vĩnh Ký đã thành lập báo Gia Định. Đây được xem là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.
Nỗi lòng của con người thông kim bác cổ
Ngoài viết báo, làm phiên dịch và một số hoạt động khác trong lĩnh vực ngoại giao, Trương Vĩnh Ký còn tham gia sáng tác và biên soạn rất nhiều ấn phẩm có giá trị. Theo tư liệu mà các học trò của ông ghi chép lại, Petruts Ký đã để lại khoảng hơn 100 đầu sách. Trong đó, có nhiều cuốn sách khảo cứu có giá trị như: Giáo trình lịch sử An Nam, Giáo trình văn chương An Nam, Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận.
Tuy thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng Trương Vĩnh Ký vẫn nặng lòng với những giá trị của văn học và văn hóa truyền thống. Ông đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm và ghi chép lại những tác phẩm có giá trị của văn chương nước nhà. Bên cạnh đó, ông cũng sưu tầm, tổng hợp và ghi chép lại bằng chữ Quốc ngữ, một cách có hệ thống các tác phẩm văn học dân gian có giá trị, được truyền tụng từ lâu đời, Chuyện đời xưa là một trong số đó.
Chuyện đời xưa được in lần đầu vào năm 1866. Ấn bản này in theo bản in năm 1914, được xem là bản in lâu đời nhất được tìm thấy của cuốn sách. Ảnh: Văn sử tinh hoa. |
Cuốn sách này tổng hợp hơn 70 mẩu truyện cười dân gian vùng Nam bộ. Ngoài mục đích giải trí, mang lại tiếng cười vui vẻ, sảng khoái sau những giờ phút lao động nặng nhọc, những câu chuyện cười trong cuốn sách này còn mang tính giáo dục cao. Những bài học sâu sắc về đạo làm người, cùng cách đối nhân xử thế đã được đan cài một cách khéo léo vào các mẩu chuyện tưởng chừng chỉ có sự hài hước.
Nhân vật của Chuyện đời xưa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Đó có thể là những người nông dân chân chất, vì thiếu hiểu biết nên bị lừa gạt. Ngoài ra, còn có tầng lớp quan lại tham lam, luôn tìm cách hà hiếp dân lành. Bên cạnh đó cũng không thiếu những anh học trò dốt nát, nhưng vì sĩ diện mà dấu đi cái dốt của mình.
Ta học được gì trong câu chuyện của người xưa
Sau những tràng cười thoải mái, tươi vui ấy là nhiều bài học đáng quý về cách làm người, cách đối nhân xử thế sao cho đẹp lòng nhau. Không chỉ dừng lại ở đó, những câu chuyện cười của người dân Nam bộ còn phê phán nhiều thoái hư tật xấu trong xã hội như: Mê tín dị đoan, nạn mua quan bán tước, thói sĩ diện hão, trưởng giả học làm sang. Những thói tật ấy chính là nguồn cơn khiến con người lâm vào cảnh khổ sở, khốn cùng.
Không chỉ tập hợp được nhiều mẩu chuyện cười thú vị của người dân Nam bộ, Trương Vĩnh Ký đã ghi chép và biên soạn chúng một cách chi tiết bằng chữ Quốc ngữ, một điều không đơn giản vào thời bấy giờ, khi mà chữ Hán và chữ Nôm vẫn được sử dụng một cách phổ biến.
Những câu chuyện nhỏ trong sách phê phán nhiều thói hư tật xấu của con người. Ảnh: Truyện cổ tích. |
Trong quá trình sưu tầm và biên soạn, tác giả đã sử dụng rất nhiều phương ngữ Nam bộ. Ngày này, nhiều từ trong sách đã ít dùng, hoặc bị thay thế bằng các từ mới. Để độc giả tiện theo dõi, phần chú thích của cuốn sách này đã giải thích một cách rất cặn kẽ nghĩa của các từ cổ xuất hiện trong sách.
Không chỉ mang đến tiếng cười đầy hào sảng, cùng những bài học sâu sắc về các đối nhân xử thế, Chuyện đời xưa còn cho chúng ta thấy được sự giàu đẹp của tiếng Việt. Sinh thời, Trương Vĩnh Ký đã dành rất nhiều tâm huyết cho chữ Quốc ngữ. Bởi đây là chữ viết mang tính hiện đại và hợp thời, dễ học và dễ nhớ.
Ông cho rằng: Sau này, sẽ có nhiều người nước ngoài đến xứ ta để buôn bán, giao thương. Họ cần học tiếng nói và chữ viết của người Việt. Cần có một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu mà vẫn hàm chứa được nhiều giá trị văn hóa của nước nhà.
Truyện cười của người dân Nam bộ đảm bảo tất cả những yếu tố này. Thế nên, đây không chỉ là một cuốn sách để giải trí thông thường, nó được xem như một cuốn “giáo trình” đặc biệt để học tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Chuyện đời xưa được in lần đầu năm 1866, đến năm 1914 nó đã được in tới hơn 9000 bản. Điều đáng nói là dân số nước ta khi ấy chỉ mới có 15 triệu người. Quả thật đây là một con số đáng nể!
Ngắn gọn, súc tích lại ẩn chứa những bài học sâu sắc về đạo lý làm người, nên cách đây hơn nửa thế kỷ một số mẩu chuyện trong cuốn Chuyện đời xưa đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục ở miền Nam. Hy vọng, những bài học của bậc tiền nhân sẽ sáng mãi trong lòng hậu thế.