Văn học
Thêm nhiều máy “ATM gạo” – Hạt Giống Tâm Hồn
Công ty First News – Trí Việt và nhóm cựu sinh viên Học Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT đã góp sức và trao tặng nhiều máy ATM gạo cho đồng bào khó khăn ở các tỉnh miền Tây, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Hàng loạt máy “ATM gạo” đã được lắp đặt nhiều nơi trên cả nước để hỗ trợ người dân nghèo. Chung tay với cả nước, công ty First News – Trí Việt và nhóm cựu sinh viên Học Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT cũng góp sức và trao tặng nhiều máy ATM gạo cho đồng bào khó khăn.
Chiều ngày 24/4, máy ATM gạo – Hạt Giống Tâm Hồn đầu tiên do công ty văn hóa sáng tạo First News – Trí Việt và nhóm Cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Châu Á AIT góp sức, vừa hoàn thiện việc kiểm tra và đưa vào hoạt động tại quảng trường khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi có nhiều bà con lao động, công nhân các nhà máy xí nghiệp và nhiều mảnh đời đang gặp khó khăn.
Máy ATM gạo chạy bằng mô-tơ điện giảm tốc với lượng điện tiêu thụ nhỏ nhất 90W (có thể hoạt động với máy phát điện nhỏ ở những nơi không có điện). Máy được thiết kế toàn bộ bằng Inox 304 chống mưa nắng, có thể hoạt động bền lâu nhiều năm, vận hành độc lập trên mọi địa hình, do Kỹ sư cơ khí Nguyễn Vũ Minh thiết kế. Máy ATM phát gạo này hoạt động bằng cách đạp bằng chân, cao 2,2 mét, rộng 1,2 mét, nặng 100kg, chứa được nửa tấn gạo, có bánh xe để di chuyển.
Được biết, đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Hạt Giống Tâm Hồn – Chia sẻ Yêu thương – Lan toả Cộng đồng” trong đại dịch mà First News – Trí Việt là đơn vị phát động thực hiện ngay từ khi virus Covid-19 bắt đầu thâm nhập ở Việt Nam. Dự định, nhóm sẽ làm 10 máy phát gạo để tặng các nơi khó khăn và đồng bào các tỉnh miền Tây đang bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kéo dài.
Dự kiến, cây “ATM gạo” này sẽ hoạt động theo hình thức không phân biệt người nhận có cư ngụ trên địa bàn hay không, bất kỳ người khó khăn nào có nhu cầu đều có thể tự đến “ATM gạo” và nhận mỗi người 2-3 kg/ngày.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo First News cho biết: “Chung tay cùng cả nước hỗ trợ người nghèo do ảnh hưởng dịch Covid-19 và hạn hán kéo dài, First News và nhóm cựu sinh viên Học viện kỹ thuật Châu Á AIT đã cùng nhau thảo luận, đưa ra phương án thiết kế cho những máy ATM gạo này. Chúng tôi tin rằng việc đưa các máy “ATM gạo” đến những nơi đồng bào cần giúp đỡ trong thời điểm này là hành động giúp bà con ấm lòng lúc khó khăn. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục vận động thêm nhiều “mạnh thường quân” giúp bà con vào lúc khó khăn này và đã có thêm một doanh nhân thông báo sẽ đóng góp nhiều “ATM gạo” khác cho Hà Nội và các tỉnh Phía Bắc”.
Theo First News
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/them-nhieu-may-atm-gao-hat-giong-tam-hon-20200426123823184.htm)
Văn học
Netflix ra mắt phim về cuộc đời Michelle Obama và hồi ký “Chất Michelle”
Ngày 6/5, bộ phim tài liệu dài 90 phút mang tên “Becoming” kể về cuộc đời của Michelle Obama, cũng như chuyến “book-tour” của Cựu đệ nhất Phu nhân Mỹ qua 34 thành phố sẽ được công chiếu trên Netflix.
Sau chiến thắng Oscar với phim tài liệu “American Factory”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle Obama tiếp tục hợp tác với Netflix thực hiện bộ phim kể về chuyến quảng bá cuốn hồi ký “Chất Michelle” (tên tiếng Anh là Becoming) của bà Michelle.
“Chất Michelle” xuất bản vào cuối 2018. Cuốn sách đưa người đọc đến gần hơn với cuộc đời của Michelle Obama về những thói quen, cuộc sống bên gia đình, các hoạt động cộng đồng…
“Chất Michelle” không chỉ là một câu chuyện ký ức sinh động về trải nghiệm rất riêng tư của một người phụ nữ có tư chất đặc biệt mà nó còn tái hiện rất chân thật những lát cắt lịch sử nước Mỹ đầy thăng trầm, vui buồn lẫn lộn trong cuộc đời Michelle Obama từ thuở thiếu thời đến khi bước vào Nhà Trắng.
Cuốn sách từng được xuất bản ở Việt Nam với số tiền bản quyền kỷ lục, “gây sốt” cộng đồng mạng không chỉ bởi câu chuyện chân thực, sâu sắc mà còn bởi việc đề cao chất nữ quyền trong thời đại mới.
Trong phim tài liệu sắp ra mắt trên Netflix, câu chuyện của “Chất Michelle” sẽ được viết tiếp. Phần lớn nội dung bộ phim sẽ dựa trên chuyến đi thực tế để quảng bá quyển hồi ký của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama trong hai năm qua.
Trong thời gian quảng bá sách, bà Obama đã đi đến 34 thành phố tại các quốc gia khác nhau. Tại mỗi điểm dừng, ngoài việc giới thiệu Becoming trước hàng ngàn người, bà Obama kết hợp thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến cộng đồng như giáo dục giới tính, sức khoẻ tâm thần… Những hoạt động này đều được ghi hình lại.
Cựu phu nhân Tổng thống Mỹ cho biết, bà rất vui khi bộ phim tài liệu “Becoming” sẽ được giới thiệu tới khán giả trong mùa dịch bệnh. Bà Obama hy vọng những thước phim sẽ mang đến cho người xem cái nhìn lạc quan, gần gũi và giúp mọi người cảm nhận được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong cuộc sống.
“Khi nhiều người đang sống với nỗi đau buồn, sự cô đơn, sợ hãi, chúng ta cũng cần cởi mở và đặt mình vào vị trí người khác” – bà Michelle Obama chia sẻ.
Phim tài liệu “Becoming” do Nadia Hallgren đạo diễn. Cô cho biết khi bắt đầu thực hiện Becoming, điều khó khăn với ê-kíp là lịch trình di chuyển liên tục của bà Obama và các công tác đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, do vậy cô và ê-kíp phải cố bắt kịp thời gian, linh hoạt quay trong các không gian, điều kiện khác nhau.
Bà Michelle Obama hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Nadia Hallgren: “Những ngày này, thật khó để cảm thấy có niềm tin hoặc hy vọng, nhưng tôi mong bạn sẽ tìm thấy niềm vui và một chút nghỉ ngơi trong những thước phim mà Nadia đã làm. Cô ấy là một tài năng hiếm có, một người thông minh và giàu lòng trắc ẩn dành cho người khác trong mọi khung hình được cô ấy chụp lại”.
Phim sẽ được công chiếu vào Thứ tư ngày 6/5 tới đây trên Netflix.
Theo First News
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/netflix-ra-mat-phim-ve-cuoc-doi-michelle-obama-va-hoi-ky-chat-michelle-20200504152738451.htm)
Văn học
Giải quyết tranh chấp không giống như cách “đấm bốc” bằng lời nói
Trong đối nhân xử thế, lầm lỗi là điều không thể tránh khỏi. Bạn không thể định hướng hành vi của người khác giống như cách bạn kiểm soát những kết quả của mình.
Tuy nhiên bạn có thể làm điều đó bằng cách phát triển sự hòa hợp, đọc vị người khác để có thể giao tiếp theo cách của họ.
Lần nọ, tôi quan sát một người bạn đang cố gắng thuyết phục nhân viên lễ tân khách sạn cho phép cô ấy giữ phòng của mình vài giờ sau thời gian trả phòng. Chồng cô đã bị thương trong một tai nạn trượt tuyết, và cô ấy muốn anh được nghỉ ngơi cho tới khi sắp xếp được phương tiện di chuyển.
Nhân viên lễ tân liên tục đưa ra những lý do hợp lý giải thích vì sao việc đó là không thể một cách lịch sự và nhất quán. Bạn của tôi lắng nghe một cách tôn trọng và sau đó tiếp tục dẫn ra những nguyên nhân hợp lý hơn.
Tôi quan sát cô ấy vận dụng đầy đủ “chiêu thức” – từ việc thuyết phục lịch sự và nữ tính, đến việc đưa ra những lý do logic và lý trí. Không hề tỏ ra kiêu căng hay dùng áp lực để lấn lướt, cô ấy nhẫn nại theo đuổi kết quả mà mình mong muốn.
Cuối cùng, nhân viên lễ tân cười gượng và nói: “Thưa bà, tôi nghĩ là bà đang thắng”. Cô ấy đã có được điều mình muốn bằng cách nào? Cô ấy đủ linh hoạt để liên tục tạo ra thái độ mới và hành vi mới cho đến khi nhân viên lễ tân không thể phản đối cô ấy được nữa.
Hầu hết chúng ta xem việc giải quyết tranh chấp giống như là “đấm bốc” bằng lời nói. Chúng ta đấu với nhau trong suốt cuộc tranh luận cho đến khi ta giành được điều mà mình muốn. Ở các môn võ thuật như Aikido và Thái cực quyền, mục tiêu không phải là đối phó với vũ lực bằng vũ lực mà là dẫn dắt, chuyển nó đi theo một hướng mới. Đây chính xác là những gì bạn tôi đã làm, và cũng là điều mà những nhà giao tiếp giỏi thực hiện.
Hãy nhớ rằng không có sự đối kháng, chỉ có những người giao tiếp kém linh hoạt, tác động sai thời điểm và sai hướng. Giống như bậc thầy Aikido, thay vì phản đối quan điểm của người khác, người giao tiếp giỏi luôn đủ linh hoạt để cảm nhận sự kháng cự đang được hình thành, tìm kiếm những điểm đồng thuận và sau đó định hướng cuộc đối thoại theo cách mà người ấy muốn.
Có những từ, cụm từ tạo nên sự đối kháng. Những nhà lãnh đạo, những người giao tiếp xuất sắc nhận ra điều này và tập trung kỹ vào những từ, cụm từ mà họ sử dụng. Trong cuốn tự truyện của mình, Benjamin Franklin đã mô tả về chiến lược truyền đạt quan điểm mà vẫn duy trì sự hòa hợp như sau:
“Tôi phát triển thói quen thể hiện bản thân mình một cách khiêm nhường, không bao giờ sử dụng những từ như ‘chắc chắn’, ‘không còn nghi ngờ gì nữa’, hoặc bất cứ từ nào làm hỏng bầu không khí tích cực, mà thay vào đó nói rằng ‘Tôi thì không nghĩ như thế vì những lý do như sau…’, ‘Tôi hình dung nó thế này đây’, hoặc ‘Nếu tôi không nhầm thì…’. Tôi tin rằng thói quen này là một lợi thế lớn của tôi bởi vì tôi có cơ hội nhấn mạnh quan điểm của mình và thuyết phục người khác.”
Ben Franklin biết cách không tạo nên sự đối kháng đối với những đề xuất ông đưa ra. Ông đã không sử dụng những từ ngữ có thể làm dấy lên những phản hồi tiêu cực – chẳng hạn như từ “nhưng”, nếu sử dụng một cách vô thức và tùy tiện, nó có thể trở nên tiêu cực, thiếu tính xây dựng. Từ “nhưng” sẽ phủ nhận mọi thứ được nói trước đó. Bạn cảm thấy thế nào nếu ai đó bảo với bạn rằng họ đồng ý với bạn, nhưng…?
Hãy nhớ rằng, không có người đối kháng, chỉ có những người giao tiếp kém linh hoạt. Có những từ, cụm từ khơi dậy cảm giác đối kháng, đồng thời cũng có những cách giao tiếp có thể giúp người khác tham gia và cởi mở hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có một công cụ giao tiếp giúp bạn thể hiện rõ bạn cảm thấy thế nào về một vấn đề mà không đánh mất chính mình, cũng như không dẫn đến bất đồng quan điểm? Công cụ mạnh mẽ đó chính là khung đồng thuận, bao gồm ba cụm từ bạn có thể sử dụng trong bất kỳ cuộc giao tiếp nào để thể hiện sự tôn trọng đối với người giao tiếp cùng, duy trì mối quan hệ với họ, chia sẻ điều bạn cảm thấy là đúng, và không bao giờ phản đối quan điểm của họ.
“Tôi đánh giá cao và…” “Tôi tôn trọng và…” “Tôi đồng ý và…”
Trong từng trường hợp, bạn đang làm ba việc: bạn đang xây dựng mối quan hệ bằng việc xâm nhập vào thế giới của người kia, ghi nhận nội dung truyền đạt của anh ta hơn là bỏ qua hoặc hạ thấp nó bằng các từ như “nhưng”, “tuy nhiên”; bạn đang tạo dựng sự đồng thuận kết nối mọi người với nhau; và bạn đang mở cánh cửa định hướng lại một vài điều mà không tạo nên sự đối kháng.
Ví dụ, một vài người nói với bạn về chuyện gì đó: “Bạn hoàn toàn sai lầm”, nếu bạn cũng khẳng định chắc nịch: “Không, tôi không sai”, liệu bạn có thể duy trì mối quan hệ này? Không. Sẽ có mâu thuẫn, sẽ có đối kháng. Thay vào đó, hãy nói: “Tôi tôn trọng cảm xúc của bạn về vấn đề này, và tôi nghĩ nếu bạn lắng nghe quan điểm của tôi, bạn có thể cảm thấy khác đi”. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải đồng ý với nội dung giao tiếp của người kia. Bạn có thể nói lời đánh giá cao, tôn trọng, hoặc đồng ý với cảm nhận của người đó. Bạn có thể đánh giá cao cảm nhận của anh ta bởi nếu bạn có cùng trạng thái sinh lý, cùng một nhận thức, bạn sẽ cảm thấy y như vậy.
Bạn có thể cũng đánh giá cao ý định của ai đó. Ví dụ, nhiều lần hai người có ý kiến đối lập nhau về cùng một vấn đề, không đánh giá cao quan điểm của nhau, do dó không lắng nghe nhau. Khi bạn sử dụng khung đồng thuận, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình lắng nghe có chủ đích hơn về điều người kia đang nói, và kết quả là bạn khám phá được cách thức mới để đánh giá cao người khác.
Bạn sẽ đạt được thành quả bằng thái độ ôn hòa, và sau đó dẫn dắt thay vì gây sức ép một cách thô bạo. Bạn có thể phát triển một nhân sinh quan phong phú hơn, cân bằng hơn bằng việc cởi mở đón nhận quan điểm của người khác. Phần lớn chúng ta xem cuộc thảo luận giống như trò chơi thắng – thua. Chúng ta đúng, còn người kia sai. Tôi thì nhận thấy mình học được nhiều hơn và nhanh chóng đạt được mục tiêu nhờ vào sự đồng thuận.
Các hoạt động gián đoạn hình mẫu cũng rất giá trị trong kinh doanh. Một vị giám đốc điều hành đã vận dụng chúng để khiến công nhân nhà máy của ông thay đổi cách họ nhìn nhận công việc của mình. Ông thông báo rõ ràng rằng ông muốn mỗi một sản phẩm của nhà máy được sản xuất như thể chỉ phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân ông. Ông tuyên bố sẽ có mặt bất cứ lúc nào để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Tin tức này lan truyền nhanh như đám cháy rừng, làm gián đoạn nếp làm việc cũ của các công nhân và khiến nhiều người phải kiểm tra lại những sản phẩm họ đang làm. Là một bậc thầy về mối quan hệ, vị giám đốc điều hành có thể làm được điều này mà không khiến những người công nhân phẫn nộ bởi ông đã khơi dậy niềm kiêu hãnh trong họ.
Bạn có thể sử dụng những hoạt động gián đoạn hình mẫu trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như trong việc giải quyết tranh cãi. Chúng ta trở nên nóng giận, muốn chiến thắng nhằm chứng minh luận điểm của mình. Những cuộc tranh cãi như vậy có thể gây tổn hại cho mối quan hệ. Ngay khi tranh cãi qua đi, bạn day dứt nghĩ rằng sao mình lại mất kiểm soát bản thân đến vậy?
Cách duy nhất để giao tiếp tốt là bắt đầu với tinh thần khiêm nhường và sẵn sàng thay đổi. Bạn không thể giao tiếp bằng sự chủ quan duy ý chí; bạn không thể ép buộc người khác phải thấu hiểu quan điểm của riêng bạn. Bạn chỉ có thể giao tiếp với sự linh hoạt.
Chúng ta sẽ xem xét những cách thức khác nhau để thay đổi các định hướng, phá vỡ các khuôn mẫu, thay đổi cách truyền đạt, và rút ra những bài học bổ ích từ sai lầm. Nhà thơ William Blake đã từng viết: “Người không bao giờ thay đổi quan điểm của mình thì cũng giống như vũng nước tù đọng”. Người mà không bao giờ thay đổi các khuôn mẫu giao tiếp sẽ tự đẩy mình vào vùng nguy hiểm.
Anthony Robbins được xem là chuyên gia hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người. Trong suốt hơn 30 năm qua, lòng nhiệt huyết của Anthony Robbins đã giúp rất nhiều người tạo bước đi đột phá và nâng cuộc đời họ lên một tầm cao mới trong những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất: kinh doanh, tài chính, mối quan hệ, gia đình, nghề nghiệp và sức khỏe. Anthony Robbins đã giúp hơn 50 triệu người từ hơn 100 quốc gia chuyển hóa cuộc đời và sự nghiệp của họ thông qua sách vở, băng đĩa, những buổi diễn thuyết và những buổi gặp gỡ tư vấn riêng.
Theo “Đánh thức năng lực vô hạn” – First News
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/giai-quyet-tranh-chap-khong-giong-nhu-cach-dam-boc-bang-loi-noi-20200428101258749.htm)
Văn học
Cục Xuất bản vào cuộc làm rõ nghi vấn sách lậu của Huấn “hoa hồng”
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết đã gửi văn bản tới các Sở, cơ quan chức năng liên quan phối hợp làm rõ nghi vấn sách lậu dạy kiếm tiền của Huấn “hoa hồng”.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nick name Huấn “hoa hồng” đã livestream giới thiệu, rao bán hai cuốn sách do chính Huấn viết có tiêu đề “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền”.
Theo giới thiệu, cuốn sách có giá 799.000 đồng với nội dung “dạy làm giàu bằng cách kinh doanh, bán hàng qua mạng”. Bìa cuốn sách có in hình của Huấn và đề tên “Nhà xuất bản SG”. Video bán sách thu hút gần 50 nghìn lượt like và hơn 50 nghìn lượt bình luận.
Cũng trong những lần livestream trên facebook, Huấn “hoa hồng” nói rằng toàn bộ tiền bán sách sẽ được dành để làm từ thiện và “khoe” hiện đã có hơn 5 nghìn người đặt mua. Có không ít người trẻ vì tò mò đã “hưởng ứng” mua sách.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả, nội dung cuốn sách có nhiều lỗi chính tả, sử dụng ngôn ngữ mạng, viết tắt, câu cú, cách hành văn không theo quy chuẩn nào.
Bên cạnh đó, sách viết theo kiểu kể về kinh nghiệm bán hàng onine của Huấn, có nhiều nội dung khó tin. Trên một số diễn đàn xã hội, có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt, cho rằng tại sao một cuốn sách yếu về nội dung như thế lại được xuất bản?
Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận, phóng viên Dân trí đã liên lạc với ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ.
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết đơn vị đã nắm được thông về trường hợp của Huấn “hoa hồng”. Sáng nay, ngày 28/4, Cục đã gửi văn bản tới các Sở Thông tin và Truyền thông, cũng như các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp làm rõ nghi vấn về việc sao in, phát tán qua mạng với 2 sản phẩm của Huấn “hoa hồng”. Nếu có sai phạm, thì sẽ xử lý nghiêm.
“Cục đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM để phối hợp, tìm hiểu và làm rõ. Sau đó, nếu có sai phạm: sản phẩm xuất bản trái phép (không thực hiện xuất bản, không qua nhà xuất bản hoặc cơ quan có thẩm quyền, không có quyết định xuất bản theo quy định) thì sẽ có hình thức xử lý.
Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có cơ quan về quản lý mạng xã hội để nếu như biểu hiện của Huấn là biểu hiện vi phạm pháp luật, lệch chuẩn về mặt văn hóa thì cần có các biện pháp để xử lý”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Trước đó, theo quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Nguyên cũng cho rằng 2 cuốn sách của Huấn “hoa hồng” có thể không phải xuất bản phẩm: “Nhìn những thông tin ban đầu về cuốn sách tôi cho rằng có thể đây là sách lậu, vì hiện nay không có Nhà xuất bản nào có tên là Nhà xuất bản SG. Ngày trước có Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn nhưng hiện nay cơ quan này đã sát nhập với NXB văn hóa văn nghệ thành Nhà xuất bản văn hóa văn nghệ TP.HCM”.
Huấn “hoa hồng” tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984, tại Yên Bái. Bùi Xuân Huấn từng bị bắt, có xét nghiệm dương tính với ma túy và phải đi cai nghiện bắt buộc.
Năm 2015, Huấn “hoa hồng” nổi lên như một hiện tượng mạng sau khi đăng những video ăn chơi hàng ngày, những clip hài hước tự thực hiện và bán hàng online, livestream trên facebook.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/cuc-xuat-ban-vao-cuoc-lam-ro-nghi-van-sach-lau-cua-huan-hoa-hong-20200428092850023.htm)
Văn học
Hồi sinh đang tới!
Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã gửi đến toà soạn bài thơ “Hồi sinh đang tới”.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân!
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài thơ “Hồi sinh đang tới”:
Những ngày ngoài này, người cách ly tăng vọt
Muốn bay vô trong đó yên bình
Nhưng kẻ thù vô hình ở muôn nơi rình rập
Đành ghìm lòng chờ trông!
Nhớ Lục Bình cứ dập dềnh trôi
Hoa tím chiều, con thuyền xuôi cửa biển
Lúa đồng mướt xanh, đàn chim chao liệng
Nay dịch bệnh, mặn xâm, thuyền chưng hửng bên sông!
Đèn vẫn lung linh trên đường phố, công viên
Từ ô cửa cách ly, nỗi cô đơn ập đến
Nhưng cây ơi, hãy cùng tin không bao lâu nữa
Mầm sống sẽ vươn mình, đơm hoa trái sum suê!
Trí tuệ và sức vóc con người phi thường vượt xa điều ta tưởng tượng
Đất nước chung tay đẩy lui cái vô hình ác hiểm
Hàng trăm người nhiễm dịch đã hồi sinh
Bình yên sẽ về khắp khóm, ấp, xóm, thôn!
Ta tạm xa, rồi sẽ thật gần
Những đoàn tàu, xe lại ngược xuôi Nam Bắc
Nhà máy em sẽ sớm, chiều tấp nập
Lô hàng nối nhau ra cảng vượt đại dương…
Bạn bè đông vui trong lễ thành hôn
Cô dâu lệ rơi đến tặng hoa thầy thuốc
Bản nhạc tăng-gô trong ngày chống dịch
Lại âm vang cùng nhịp sống trào tuôn!…
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/hoi-sinh-dang-toi-20200420100956356.htm)
Văn học
Những cuốn sách giúp tâm bình an giữa mùa dịch
Nếu mỗi ngày bạn đều cảm thấy mệt mỏi, áp lực mà vẫn cố trấn an trái tim rằng mình đang nỗ lực cho hạnh phúc thì bạn nên dừng lại.
Hạnh phúc là điều chúng ta cảm nhận được trong chặng hành trình chứ không phải đích đến. Nếu mỗi ngày bạn đều cảm thấy mệt mỏi, áp lực mà vẫn cố trấn an trái tim rằng mình đang nỗ lực cho hạnh phúc thì bạn nên dừng lại. Hãy dành một chút thời gian để gột rửa và tìm lại sự an nhiên trong tâm hồn bằng 5 cuốn sách dưới dây.
1. Buông bỏ buồn buông
“Buông bỏ buồn buông” sẽ giúp bạn bóc tách những lo âu, phiền não ra khỏi tâm trí; giúp bạn có một cái nhìn về cuộc sống lạc quan, vui vẻ cách ứng xử thông minh và nhẹ nhàng hơn.
Hơn 70 mẫu chuyện thú vị đã được thiền sư Ajahn Brahm kể lại với những tình tiết vui tươi, lồng ghép những suy tư trải nghiệm của thiền sư từ khi chưa xuất gia cho đến lúc bắt đầu quy y. Và cả quá trình khi thiền sư đã là trụ trì của một tu viện Phật giáo lớn và nổi tiếng tại Úc.
Khi đọc cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận như mình đang đi dạo trên một con đường với nhiều cung bậc cảm xúc. Cảm xúc của sự chiêm nghiệm về cuộc sống, về đời người và cách nhìn về những nghịch cảnh trong cuộc sống.
Con người chúng ta thường đến rồi tiếp xúc với thế giới và cuộc sống xung quanh ta với một “tâm hồn tham lam”, một tâm hồn tìm kiếm sự hiểu biết chỉ qua kiến thức, một tâm hồn tìm kiếm sự che chở và làm hài lòng cho chính nó trước tiên. Hãy đọc và tập cách “Buông bỏ buồn buông” những thứ không nên giữ lại, biết giũ bỏ mọi lo lắng, ưu phiền để có một cuộc sống thư thái trong tâm hồn.
2. Tâm từ
Bằng những câu chuyện đời thường, do chính tác giả trải qua hay ghi nhận, cuốn sách khẳng định, khi có “tâm thiện lành”, những tổn thương tinh thần và cả thể xác đều có thể được chữa lành.
Nhưng, để hướng tới Tâm Từ cần có một phương pháp rèn luyện và hóa giải những chướng ngại trong cuộc đời. Cách rèn luyện Tâm Từ hữu hiệu nhất có thể bắt đầu từ thiền, nhưng là hành thiền khi bản thân đã thực sự sẵn sàng chứ không phải hành thiền cơ học, ngồi xuống “bắt” bản thân quan sát hơi thở theo nghĩa vật lý.
“Ra lệnh cho tâm của mình như một nô lệ, thì chả có gì ngạc nhiên, tâm của bạn luôn luôn cố trốn thoát khỏi bạn” – Tác giả “Tâm từ” viết.
Tâm từ là một cách thể hiện tình yêu thương sâu sắc, lòng bác ái vô biên với mọi người. Thông qua cuốn sách, độc giả sẽ có thể khám phá thêm về bản thân thông qua việc chăm sóc yêu thương người khác, rồi cuộc đời chúng ta sẽ càng ngày càng viên mãn, càng lúc càng tươi đẹp.
3. Mở cửa trái tim
Quyển sách bao gồm những câu chuyện của chính sư trụ trì Ajahn Brahm và những câu chuyện khác được ông dùng để hỗ trợ cho việc giảng dạy của mình. Những câu chuyện trong “Mở cửa trái tim” không chỉ là những câu chuyện về hạnh phúc mà còn là những câu chuyện về tình yêu, về sự tha thứ, về lòng bao dung…
Quyển sách đã được phát hành nhiều ngàn bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, riêng bản tiếng Thái đã được phát hành hơn 100.000 bản.
Sự hiểu biết sâu sắc, tình thương yêu và lòng từ bi chảy xuyên suốt qua những câu chuyện của “Mở cửa trái tim” giống như những dòng sông của nguồn hy vọng. Sách khéo léo trong việc liên hệ đến lời dạy của đức Phật và con đường đạt được hạnh phúc thật sự. Mỗi câu chuyện kể, ẩn chứa bên trong nó là bài học về chánh niệm, trí tuệ và từ bi – những yếu tố nền tảng của Phật giáo. Sự thật bên trong mỗi câu chuyện sẽ được khám phá qua chính kinh nghiệm trong đời sống của mỗi chúng ta.
4. Hạnh phúc đến từ sự biến mất
“Đừng đọc cuốn sách này nếu bạn muốn mình là một ai đó, bởi vì nó sẽ biến bạn thành không ai cả, một thứ vô ngã” – đó là lời dẫn nhập cuốn sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất.
Còn dưới góc nhìn của Phật giáo, dưới ánh sáng giác ngộ, thì hạnh phúc thực sự chính là: biết – buông – bỏ – mọi – thứ. Khi chúng ta cam tâm buông thứ gì xuống, thì thứ đó sẽ biến mất. Và tất cả các bậc tu thiền thành công đều là những kẻ mất đi mọi thứ. Họ mất đi sự ràng buộc, dính chấp. Nhưng lạ thay, họ không chỉ thấy hạnh phúc mà còn thấy hạnh phúc viên mãn.
Bao gồm 11 chương, Hạnh phúc đến từ sự biến mất không đưa ra chỉ dẫn từng bước hành thiền như một số cuốn sách khác. Thay vào đó, sách là tập hợp những lời chia sẻ, những mô tả về cách một người quay trở về với bản chất “vô ngã” của mình. Đây là những lời chia sẻ minh triết, đi thẳng vào trọng tâm, tháo gỡ những thắc mắc, băn khoăn của các thiền sinh, tu sĩ.
5. Kiến Phật
Kiến Phật là quyển sách kể về một nhóm gồm những người vốn khác nhau về xuất thân, nghề nghiệp, độ tuổi, lối sống… nhưng đều đặn hằng tuần, họ cùng ngồi lại tại nhà của tác giả -Rose Elliot, để nghe một nhà sư giảng đạo. Trong 8 tuần, nhà sư sẽ dìu dắt họ trên hành trình kiếm tìm tự do và an lạc từ việc thực tập hành thiền chánh niệm.
Theo đúng mục đích của tác giả Rose Elliot, bạn đọc sẽ thấy như thể mình cũng đang có mặt tại đó, cùng mọi người tham gia “khóa học”. Mỗi tuần, họ sẽ đi sâu vào một chủ đề, trong khi nhà sư giảng giải, mọi người có thể tham gia đặt câu hỏi và thảo luận. Xuyên suốt cuốn sách, đôi chỗ tác giả tinh tế thêm vào những mẩu chuyện cá nhân nho nhỏ cùng vài dòng suy ngẫm, cảm nhận về những bài học đã tác động đến mình một cách mạnh mẽ.
Sách Kiến Phật không nặng về tôn giáo, mà giống một cuốn nhật ký ghi lại khóa tu, ai cũng có thể đọc được để rồi chiêm nghiệm và hiểu nguyên lý chân – thiện – mỹ của cuộc đời.
Theo First News
Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-cuon-sach-giup-tam-binh-an-giua-mua-dich-20200418191523599.htm)