Kỹ năng vàng cho học sinh trung học là bộ sách rất thiết thực giúp các em 8-14 tuổi trong quá trình trưởng thành.
Bộ sách gồm những nội dung được chắt lọc từ các chủ đề nhỏ trong tác phẩm của Liu Yong, với những câu chuyện thực tế gần gũi, giản dị phù hợp để các em đọc tham khảo.
Bộ sách Kỹ năng vàng cho học sinh trung học của tác giả Liu Yong. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Bộ sách gồm ba tập: Học cách hoàn thiện bản thân, Học kỹ năng nói, Học kỹ năng để thànhh công. Nội dung ba tập sách bao gồm nhiều phương diện: Học tập, viết lách, kỹ năng nói chuyện, kết bạn ,cách đối nhân xử thế, vượt qua khi vấp ngã… giúp các em hiểu được những vấn đề có thể sẽ gặp phải trong quá trình trưởng thành, và tìm cho mình được những chia sẻ, đồng cảm cũng như lời khuyên hữu ích.
Học cách nói chạm đến tâm hồn
Trong tập sách Học kỹ năng nói, ông đưa ra những luận điểm rất cụ thể như giải thích vì sao mỗi đứa trẻ càng trưởng thành càng phải học nói, và chỉ cho các em biết cách để có cách nói chuyện chạm đến trái tim người nghe.
Theo tác giả Liu Yong, trong khi gặp những tình huống đối thoại, bạn cũng đừng hấp tấp vội vã để rồi đặt ra những câu hỏi không hợp lý, khiến người nghe e dè. Hãy suy nghĩ và tìm ra được lối nói dễ nghe thông minh và thỏa đáng.
Những quy tắc quan trọng trong khi học kỹ năng nói chính là những chuyện đã qua tuyệt đối không nhắc lại, đừng nói năng rườm rà sẽ khiến người khác rối trí. Hãy đáp lại bằng thái độ nhiệt thành nhất, đừng lạnh nhạt, và hơn hết, hãy nói những điều đẹp đẽ.
Tác giả Liu Yong dẫn ra câu chuyện nhỏ về cách ứng xử của bà cụ già. Khi người ta nói sắp sửa xây thư viện trong công viên mới ở phía đối diện nhà bà, bà cụ gặp ai cũng vui vẻ nói: “Mọi người nhớ năng đến để cùng sang đọc sách nhé”.
Một thời gian sau, khi chính phủ thay đổi quy hoạch không xây thư viện nữa, gặp bạn bè, bà cụ lại vui vẻ nói: “Tuyệt quá! Toàn là bãi cỏ xanh, mọi người năng đến để cùng nhau đi dạo nhé”.
Cách nói chuyện ấy chẳng phải sẽ đem lại cho bạn cảm giác dễ chịu tích cực hay sao?
Trong dân gian Việt Nam có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cũng chính là thể hiện cái ý tứ sâu sắc của cách nói chuyện, để có thể tìm thấy sự chia sẻ và hạnh phúc nhiều hơn.
Hãy để chúng ta lặng lẽ và khiêm tốn chờ đợi sự thưởng thức và đánh giá của mọi người. Ảnh minh họa từ phim Thanh xuân ơi, chào em. |
Kiên trì và dũng cảm trên hành trình trưởng thành
Trong tập Học tập kỹ năng để thành công, tác giả nhấn mạnh những đặc điểm quan trọng để đi tới thành công là sự dũng cảm, kiên trì tiến về phía trước một cách lặng lẽ.
Ông nhẩn nha kể câu chuyện về những lá trà, cách pha trà đúng cách để lá trà chìm xuống, hòa tan thấm nhuần hương vị trong nước. Chỉ khi lá trà chìm xuống đáy cốc thì mới có thể trở thành trà ngon.
Từ chuyện về những lá trà, ông viết: “Muốn việc thành công thì đừng vội thể hiện mình”. “Hãy để chúng ta từ từ chìm xuống đáy cốc, hãy để chúng ta dâng hương thơm của chính mình, hãy để chúng ta lặng lẽ và khiêm tốn chờ đợi sự thưởng thức và đánh giá của mọi người”.
Mỗi câu chuyện của ông đều gửi gắm đến độc giả đang tuổi niên thiếu rất nhiều trìu mến, thân tình, với hy vọng sẽ giúp các em tìm thấy ánh sáng trên con đường trưởng thành nhiều khó khăn.
Đây đều là những tâm huyết được Liu Yong ghi chép cẩn trọng trong quá trình quan sát, và dạy dỗ hai người con của mình. Bởi vậy mỗi trang viết, mỗi câu chuyện đều rất dễ tiếp cận, dễ thấu hiểu, và học hỏi.
Liu Yong vừa là họa sĩ, nhà văn, vừa là diễn giả nổi tiếng quốc tế, một người sống tích cực, chăm chỉ, luôn muốn vượt qua chính mình. Ông từng là họa sĩ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật và Lịch sử Danville, họa sĩ chuyên trách tại Trường Đại học St. John’s, là phó giáo sư trường Saint Vincent tại Mỹ.
Là nhà văn với nhiều tác phẩm bán chạy, đến nay, Liu Yong đã xuất bản hơn 90 đầu sách nổi tiếng bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Ông dùng tiền nhuận bút của mình để quyên học xây dựng 40 trường tiểu học tình thương tại Trung Quốc, giúp đỡ hơn 200 học sinh, sinh viên đến trường, tổ chức cuộc thi viết văn dành cho con em công nhân về hưu.