Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Đại học Y Hà Nội được nhiều người yêu mến từ những bài viết với giọng văn dí dỏm, châm biếm, sâu sắc về trải nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt ở lĩnh vực y tế.
Vừa qua, cái tên Hùng Ngô lại được nhiều người nhắc đến sau khi anh cho ra mắt cuốn sách 3 phút sơ cứu. 20.000 bản được bán hết trong 2 tháng. Trước đó, năm 2018, bác sĩ này cũng rất thành công với cuốn Để yên cho bác sĩ hiền.
Viết sách vào lúc nghỉ trưa, sau giờ trực
– Là một người yêu sách, thậm chí thiết kế riêng trong nhà một khu vực để việc đọc sách được lý tưởng nhất, có phải từ sở thích này nên bác sĩ Hùng Ngô muốn viết?
– Khi còn nhỏ, tôi thường theo bố đến cơ quan làm việc. Ở cơ quan bố có một thư viện rất lớn. Tôi thường trốn vào trong ấy đọc sách cả buổi để chờ bố tan ca. Các cô thủ thư ở đó rất quý, thỉnh thoảng lại lấy quyển sách cho mang về. Có lẽ từ những lúc giết thời gian bằng cách đọc sách chờ bố làm việc đã tạo cho tôi thói quen này.
Khi lớn lên một chút, tôi viết các câu chuyện cho riêng mình, chỉ để giải tỏa stress trong cuộc sống cũng như công việc. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng sẽ tập hợp lại thành một cuốn sách. Đó hoàn toàn là chuyện tình cờ. Một người bạn đọc được bản thảo và khuyên tôi không nên để nó trong ngăn tủ, hãy chia sẻ chúng với mọi người. Thế rồi cuốn Để yên cho bác sĩ hiền ra đời.
– Sau sự thành công của “Để yên cho bác sĩ hiền” giúp anh có thêm tự tin để tiếp tục viết “3 phút sơ cứu”?
– Để yên cho bác sĩ hiền xuất bản bắt đầu sang năm thứ 3, đến nay đã in được 50.000 bản. Thú thật, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng nó được mọi người đón nhận như vậy. Và không nghĩ rằng mình có thể viết.
Cuốn sách 3 phút sơ cứu có ý tưởng trước khi Để yên cho bác sĩ hiền xuất hiện. Tuy nhiên, lúc ấy tôi vẫn chưa sẵn sàng và chưa đủ kiến thức nên nó lui lại cho đến tận đầu 2020 mới xuất bản. Đây là cuốn sách đơn thuần về sức khỏe cộng đồng, không phải là những câu chuyện tếu táo như Để yên cho bác sĩ hiền.
Động lực khiến tôi quyết tâm làm sách khoa học cho cộng đồng là do nghề nghiệp. Là một bác sĩ cấp cứu, hàng ngày có hàng trăm bệnh nhân từ các nơi chuyển đến, tôi thường xuyên phải chứng kiến những trường hợp đáng tiếc do sơ cứu sai cách khiến người bệnh phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Thậm chí, trả giá bằng cả tính mạng. Sự nhiệt tình thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có kiến thức để làm đúng và làm đủ, không gây hại cho người bệnh.
Kiến sức về sơ cấp cứu rất quan trọng, nó được điều chỉnh tùy theo thực tế về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của từng quốc gia và từng vùng miền. Trong đó, có một phần kinh nghiệm của chính người bác sĩ tại địa phương đó. Do vậy, các kiến thức trên Internet chúng ta đọc được không thống nhất nên rất dễ gây hiểu làm và làm người đọc bối rối. Chưa kể, chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm dân gian lồng ghép vào đó. Vậy đứng trước rừng kiến thức, chúng ta phải làm thế nào để hiểu cho đúng.
Tôi luôn hy vọng cuốn sách của mình cung cấp được cho độc giả kiến thức cơ bản nhất về sơ cấp cứu ban đầu.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng. Ảnh: NVCC. |
– Các bác sĩ thường có công việc rất bận rộn, anh sắp xếp công việc ra sao để có thời gian viết sách?
– Ý tưởng về cuốn sách này có từ 5 năm trước. Nhưng thực sự bắt tay vào lên khung trình bày và viết nội dung thì trong 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11/2019.
Tôi bắt đầu làm việc từ 7h cho đến 17h, chưa kể những ngày trực đêm. Thời gian chủ yếu viết cuốn sách này vào lúc nghỉ trưa, sau giờ trực và những buổi tối rảnh rỗi. Nói chung, tôi tận dụng hết thời gian rảnh để làm nó.
Điều may mắn là thời gian học trong nước cũng như ở nước ngoài đã giúp tôi chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm trước nên cũng không vất vả lắm. Cái khó nhất là điều chỉnh nội dung cho phù hợp với bối cảnh xã hội cũng như văn hóa trong nước.
Tôi mong muốn cung cấp cho người đọc một lượng kiến thức cơ bản và vừa phải về sơ cấp cứu. Đọc để hiểu đúng các hành động chúng ta làm để làm gì. Đặc biệt, các kinh nghiệm dân gian, không phải tất cả đều đúng. Nếu không đúng thì tại sao. Nếu đúng thì đúng trong trường hợp nào. Có nên áp dụng hay không?
Bệnh nhân phải trả giá bằng tính mạng vì sơ cứu sai cách
– Tại sao thời gian để sơ cứu lại là 3 phút?
– 3 phút là khoảng thời gian để cơ thể bắt đầu khởi động quá trình cầm máu. 3 phút là cũng khoảng thời gian chịu đựng của tế bào não khi bị thiếu oxy.
3 phút là khoảng thời gian vừa đủ để một người tham gia sơ cứu nhận định, đánh giá và đưa ra quyết định xử trí ban đầu một cách đúng đắn và bình tĩnh.
Tôi lấy mốc thời gian 3 phút mang tính chất ẩn dụ về khoảng thời gian thật ngắn nhưng vừa đủ để thực hiện một cách an toàn.
– Anh đánh giá ra sao giữa yếu tố nhanh và yếu tố an toàn trong sơ cứu?
– An toàn là một trong những tiêu chí hàng đầu trong sơ cứu. An toàn cho người tham gia sơ cứu, an toàn cho người bị nạn. Chúng ta thường xuyên chứng kiến hay đọc trên báo về những trường hợp người tham gia sơ cứu trở thành nạn nhân tiếp theo. Ví dụ, khi cứu người bị ngạt nước, điện giật, ngạt khí… chính người tham gia lại tiếp tục bị nạn và trở thành gánh nặng cho những người khác.
Với tôi, sự nhiệt tình là đáng quý nhưng phải kèm theo hiểu biết. Chưa kể, việc sơ cứu sai cách sẽ gây hại cho người bị nạn, đôi khi bằng cả tính mạng.
Một trong những kỷ niệm đau lòng và khó quên nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi đến giờ là trường hợp bạn trẻ 16 tuổi, bị tai nạn xe máy gãy xương đùi. Người nhà không cố định xương trước mà đèo xe máy thõng chân đi 20 km, bỏ qua bệnh viện huyện gần đó. Khi tôi tiếp nhận, bệnh nhân đã ngừng tim do quãng đường di chuyển xương bị di lệch, bệnh nhân chết vì sốc do đau và chảy máu trong cơ.
Đó là lý do tôi luôn nói rằng khi không biết hành động của mình có đúng hay không, tốt nhất bạn hãy lùi lại và kiên nhẫn chờ đợi hướng dẫn. Bìa phụ phía sau cuốn sách có 6 điều khuyến cáo nhằm cảnh báo về điều này.
Cuốn sách 3 phút sơ cứu. Ảnh: Reviewsach. |
– Trong quá trình viết sách, bác sĩ có gặp phải khó khăn gì không?
– Điều khó khăn nhất là kinh nghiệm dân gian nằm ở đâu trong chuỗi sơ cứu. Chúng đúng chỗ nào và không đúng chỗ nào. Nếu đúng thì áp dụng được vào giai đoạn nào của bệnh. Ví dụ, “truyền thuyết” ăn rau muống gây sẹo lồi, châm kim 10 đầu ngón chân ngón tay trong đột quỵ não,… tất cả đều phải có bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài.
– Sách về kiến thức y khoa có thể khó hiểu với những người không ở trong “ngành”, bác sĩ chọn phong cách viết như thế nào để thu hút được độc giả và giúp họ ghi nhớ được kiến thức?
– Tôi hạn chế từ chuyên môn, nếu có sẽ có hình minh họa hoặc giải thích bên dưới. Khi làm sách, tôi giao cho ban biên tập tự sắp xếp nội dung cùng các hình ảnh minh họa mà không có chú thích và hướng dẫn. Các bạn biên tập không làm về y khoa. Tôi cho rằng nếu các bạn ấy sắp xếp đúng, nghĩa là cuốn sách thành công về mặt truyền tải nội dung đến cho bạn đọc. Kết quả là ban biên tập sắp xếp đúng được 90% số ảnh.
– 20.000 cuốn “3 phút sơ cứu” được bán trong 2 tháng. Anh nghĩ sao về con số này?
– Tôi khá bất ngờ khi 3 phút sơ cứu được bán hết 20.000 bản chỉ trong 2 tháng. Bởi cuốn sách lên kệ đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tiếp cận về thông tin với cộng đồng bị hạn chế rất nhiều.
Cả hai cuốn sách tôi đều không nghĩ rằng chúng được đón nhận đến như vậy. Hai cuốn sách là 2 phong cách và 2 dòng sách khác hẳn nhau. Một cuốn là tạp bút về nghề và nghiệp. Một cuốn về kiến thức khoa học logic cộng đồng. Vì vậy, thiết lập giá trị của cuốn này dường như không ảnh hưởng đến giá trị cuốn kia.
– Anh có nhận được những phản hồi trái chiều về sách của mình?
– Hiện tại chưa có phản hồi trái chiều nào lớn về nội dung cuốn sách. Chủ yếu các bạn đóng góp ý kiến về cách trình bày nội dung. Tôi đang rất sẵn sàng chờ đợi những đóng góp khoa học và thực tế từ bạn đọc để điều chỉnh nội dung và trình bày cho phù hợp ở lần tái bản sắp tới. Con mắt nhìn từ nhiều phía sẽ giúp tôi có kinh nghiệm hơn trong việc điều chỉnh nội dung các bài viết.
Sẵn sàng nhận “gạch đá”
– Anh suy nghĩ gì về cái tên mọi người đặt cho mình là “Hùng ngoa”?
– Cái tên này có lẽ do cách nói chuyện và tiếp cận vấn đề tếu táo, đôi khi hơi thô và thẳng thắn của tôi khiến nhiều người thích và không thích. Lượng người ghét tôi trên mạng xã hội có lẽ cũng nhiều tương đương với những yêu mến và thông cảm cho tôi. Thế nên việc gọi tôi là ngoa cũng đúng và thật.
– Bác sĩ Hùng chiến đấu rất mạnh mẽ trên chiến tuyến chống lại các trào lưu phản khoa học trên mạng xã hội, điều gì khiến anh có động lực để làm việc này?
– Môi trường làm việc khiến chúng tôi phải chứng kiến quá nhiều hậu quả thương tâm từ những trào lưu phản khoa học ấy. Tôi cho rằng muốn xã hội tốt đẹp hơn, chúng ta phải lên tiếng chống lại những cái xấu. Việc tranh luận hay nhận “gạch đá” càng làm rõ hơn bản chất của vấn đề. Vậy nên tôi không lấy làm băn khoăn hay phiền lòng khi bị tấn công trên mạng xã hội vì những vấn đề mình nêu ra.
– Gần đây, người dân dần quan tâm đến sách liên quan đến sức khỏe nhiều hơn, anh đánh giá như thế nào?
– Đó là điều đáng mừng, tôi hy vọng dòng sách khoa học có nhiều người tham gia. Càng nhiều càng tốt. Như vậy, mọi người có nhiều lựa chọn hơn, mỗi người có một kinh nghiệm và cách nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề. Hy vọng tôi góp được phẩn nhỏ bé trong nhu cầu tìm hiểu về kiến thức khoa học cho mọi người.
– Anh có dự định sẽ thực hiện cuốn sách tiếp theo?
– Tôi thích đọc sách, thời gian gần đây đang tập đọc sách nguyên bản tiếng Anh. Có một số sách khoa học về cơ thể người rất hay và thú vị. Biết đâu tôi có hứng dịch cuốn nào đó trong số sách ấy. Còn bây giờ thì chưa, tôi vẫn còn phải học.