Connect with us

Xuất Bản

Kiềm chế… thơ và cái bàn phím thời chống dịch

Ở nhà rỗi rãi lại làm thơ, kiểu thơ chống dịch và thơ gửi lên các cấp bày tỏ ý thức công dân kia thực ra chẳng khác gì kiểu thơ của các câu lạc bộ hưu trí.

Thời chống dịch, ngồi yên trong nhà là có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Ngồi nhà làm việc nhà. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tuổi to làm việc to. Làm cả việc nhỏ lẫn việc to, xong, có khi lại có thời gian rỗi rãi để làm thơ.

Ruột gan không phải lúc nào cũng nên phơi bày

Thế là dịch mang đến thơ. Ít ra thơ không hay thì nó cũng làm vui cho mình và cho bạn bè người thân. Thơ ấy cứ giữ yên trong sổ tay, thỉnh thoảng mở ra ngấm ngầm đọc lại, tấm tắc thấy thơ mình cũng có vần có vè, không vần vè thì ít ra cũng là cảm xúc của mình. Niềm vui tự mang đến cho mình cũng là một thứ thuốc giải cảm những khi trái gió giở trời.

Ngặt một nỗi Facebook và các phương tiện kết nối khác chẳng phải chỉ là sổ tay cá nhân. Nó còn là cái phòng khách mở toang cửa, bạn bè người thân tới lui, thậm chí người không quen qua đường cũng có thể ghé vào đọc tờ báo tường dán trong phòng khách nhà ta. Đọc luôn cả những bài vần vè.

Kiem che… tho va cai ban phim thoi chong dich hinh anh 1 34_og.jpg

Tranh của Ellis Rosen trên parisreview.

Không phải là thơ. Đấy chỉ là những bài văn vần, một thứ văn ghép vần, ép vần, làm sao cho nó nhịp nhàng du dương để người không thạo văn chương khen xuôi tai là được. Thế là cái Facebook nó không chỉ là ghi chép của riêng ta, mà còn là nơi phơi bày ruột gan ra giữa thiên hạ, nói vô phép, không phải là thứ ruột gan lúc nào cũng nên phơi bày, không phải với mọi đối tượng.

Khoe con khoe cháu, khoe vợ khoe chồng, khoe đi công tác đi du lịch, khoe mới tụ tập bạn bè bia rượu, ấm ức vì bị trù úm, chậm đề bạt, chậm lên lương, mua nhầm phải đồ nhái… Nói không quá lời, đến mức đã có người phải bảo muốn ghét ai chỉ việc đọc phây của người ấy. Xin mở ngoặc đơn: ta đang nói mặt trái của một công cụ thông tin, còn cái hay của nó thì ai cũng rõ rồi: hay trong tiếp thị, kinh doanh, hay trong thông tin văn hóa xã hội, hay trong kết nối quan hệ, đem lại niềm vui cho nhau, và muôn vàn cái hay khôn xiết kể.

Trở lại chuyện thơ. Rỗi rãi thì làm thơ, được bạn bè người thân khen thì tưởng thơ mình có tầm cỡ, bèn mở cửa cho người ngoài đường cùng nghe. Lại được khen, chẳng biết thật hay giễu, thế là gửi thơ lên các cấp có thẩm quyền, được giấy khen thì có động lực cả trăm nghìn người nhào vào làm cùng một loại thơ.

Trăm người như một làm thơ thể hiện ý thức công dân. Hãy tự hào về giống nòi dân tộc quê hương, hãy chống dịch kiên cường và có trách nhiệm, hãy yêu thương thầy thuốc và chiến sĩ, thậm chí hãy bỏ tù người khai báo y tế không trung thực và phạt nặng hàng trăm triệu cho chúng cháu nhờ…

Quan điểm thì quá đúng đắn, xin giơ cả hai tay ủng hộ. Nhưng nhiệt tình công dân cũng phải được chắt lọc thế nào, chứ như thế chưa phải là thơ, xin nhắc lại, mới chỉ là kiểu văn vần, cố tình ghép vần, cố tình ép vần, ép uổng một cách rất thiếu tự nhiên (ví dụ: Câu trên kết là “corana chạy cho xa” thì câu dưới phải là “thế giới ta bà” cho có vẻ triết học, câu trên “khẩu trang dầy” thì câu dưới “chẳng sợ lây” cho nó bình dân…)

Thời làm quản lý, mỗi năm tôi được tặng 400 tập thơ

Mà người làm văn vần cũng đừng ảo tưởng. Nơi ta đang sống đây là xứ sở thơ ca. Thơ phú là thú vui của toàn dân, rất đại trà phổ biến. Từ chị bán hàng rong cho đến ông giám đốc đều biết ghép vần, gì chứ câu sáu câu tám thì đơn giản, bảy chữ tám câu hoặc văn xuôi xuống hàng, càng đơn giản. Tác giả này từng viết: Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ. Nói vui thôi, không có ý gì.

Còn đây là nói thật: Thời tôi làm quản lý một hội nhà văn, được các tác giả mang đến tặng mỗi tháng trung bình hơn ba chục tập thơ, mỗi năm khoảng 400 tập. Thế còn là ít. Chưa tính thơ gửi qua thư điện tử và bản thảo thơ gửi qua bưu điện. Cảm kích. Nhưng mà cũng chạnh nghĩ, biết đâu chẳng có người bảo: Việc của ông là ngồi đấy mà đọc thơ của tôi, không thì ông còn biết làm gì khác.

Kiem che… tho va cai ban phim thoi chong dich hinh anh 2 p086qbqx.jpg

Nhân loại đang đồng lòng chống dịch, văn vần thì không ai chống nhưng cũng nên tiết chế.

Thật là oan ức. Phải cả thế kỷ mới có một cái đại dịch từ nước ngoài chuyển sang, mới khiến được người dân ngồi nhà mà có thời gian nghiền ngẫm thơ. Bình thường thì đầu tắt mặt tối, đâu phải chỉ có ngồi mà đọc văn vần. Hóa ra thơ phú đôi khi sinh sôi từ sự hiểu nhầm rằng người khác đang… rỗi việc.

Đây cũng là nói thật: Những người đứng đầu các cơ quan truyền thông, hễ nhận được một cái đơn xin việc thì liếc ngay vào mục năng lực sở trường, nếu thấy ghi: Đã xuất bản nhiều tập thơ, thì lắc đầu biết viết báo thì tôi nhận, chứ biết làm thơ thì chưa nói lên điều gì.

Lỗi này có rất nhiều phần là ở thơ và người làm thơ. Lâu nay báo chí và công chúng đã góp ý với rất nhiều thiện chí, thậm chí châm biếm cũng là thiện chí.

Vậy nhân mùa cả nhân loại đồng lòng chống dịch, văn vần thì chẳng ai chống nhưng cũng nhân chiến dịch này nên biết kiềm chế ngọn bút và cái bàn phím. Xin cứ vần vè, nhưng chỉ là sổ tay cá nhân, rất cá nhân thôi. Ngay cả một số người mang danh hội viên thơ thì dịp này cũng “lộ sáng”, hóa ra khi được phơi ra thì thơ của các vị cũng chỉ là dạng văn vần nọ.

Cái kiểu thơ chống dịch và thơ gửi lên các cấp bày tỏ ý thức công dân kia thực ra chẳng khác gì kiểu thơ của các câu lạc bộ hưu trí. Nhưng các cụ từng trải, các cụ biết chỉ nên ngâm nga bình tán với nhau trong câu lạc bộ làm vui cho mình, có in thì cũng chỉ là in và phổ biến nội bộ. Lạ một nỗi là trong mùa dịch này, phần lớn kiểu thơ ấy lại là của người chưa già, lạ nữa phần nhiều là giáo viên.

Julius Fučík viết: Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác.

Xin thêm: Hỡi… ai đó, hãy kiềm chế.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/kiem-che-tho-va-cai-ban-phim-thoi-chong-dich-post1065826.html)

Xuất Bản

Dennis Bergkamp – hình mẫu của sự hoàn hảo

“Dennis Bergkamp nghĩ được những điều mà các cầu thủ khác thậm chí không thể tưởng tượng nổi”, Patrick Vieira khẳng định.

Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về sự hoàn hảo của Dennis Bergkamp ở chương 11 trong cuốn tự truyện có tên “Sự tĩnh lặng và tốc độ” (Stillness and Speed).

“Và khi bạn nhìn vào cách ăn mặc cũng như phong cách thi đấu của anh ấy, bạn sẽ hiểu rằng sự sang trọng và hoàn hảo là điều rất quan trọng với anh ấy. Anh ấy ăn mặc thực sự đơn giản nhưng vô cùng tinh tế. Và khi thi đấu, anh ấy luôn hết mình, thực sự là một ‘Dennis tinh tế’.

Chú ý này. Anh ấy là một trong vài cầu thủ mà tôi sẽ trả tiền để theo dõi. Để thực hiện được những đường chuyền như của anh ấy, bạn phải đạt đến sự hoàn hảo. Tôi sẽ không bất ngờ nếu ở nhà, quần áo của anh ấy được sắp xếp gọn gàng quy củ. Tôi sẽ hoàn toàn không bất ngờ”.

Dennis Bergkamp - hinh mau cua su hoan hao hinh anh 1 Dennis_Bergkamp_3.jpg

Dennis Bergkamp đã tạo ra phép màu với những bàn thắng vượt xa trí tưởng tượng của tất cả.

Bergkamp hoàn hảo tới từng chi tiết

“Bergkamp luôn lấy tôi ra làm trò cười khi nói: ‘Tôi là người tạo ra cậu’ vì trong số tất cả bàn thắng tôi ghi được, 95% trong số đó đều đến từ những đường chuyền của anh ấy. Đó là những gì anh ấy nói! Tôi nghĩ là đúng.

Tôi không ghi nhiều bàn thắng nhưng hầu hết đều bắt nguồn từ anh ấy. Anh biết khi nào mình chuyền bóng, thấy khoảng trống và chạy chỗ không? Đôi khi bạn nói: ‘Tốt, tôi không chạy vì bóng sẽ không tới.’ Nhưng khi đó là Bergkamp và biết đó là Bergkamp, tôi biết anh ấy sẽ nhìn ra khoảng trống. Tôi biết mình sẽ không di chuyển một cách vô nghĩa. Vì thế tôi chạy về phía trước vì tôi biết bóng sẽ ở đó và tôi sẽ ghi bàn vì tính thời điểm và chất lượng của đường chuyền.

Như bàn thắng vào lưới Leicester. Tôi có bóng trong chân. Tôi không thể nhớ tôi đã chuyền bóng cho ai. Henry à? Henry hay Bergkamp? Tôi không nhớ. Nhưng tôi biết tôi sẽ chuyền bóng ngược lại phía sau. Tôi chuyền bóng cho người sẽ đưa bóng đến chỗ Bergkamp và anh ấy sẽ nhìn thấy tôi vì tôi đã chạy chỗ và anh ấy hiểu. Tôi biết điều này sẽ xảy ra. Tôi biết Bergkamp sẽ nhìn ra khoảng trống và chuyền bóng cho tôi. Và điều đó đã đến. Tôi biết chắc chắn sẽ như vậy”.

Arsene Wenger nhận xét: “Bergkamp là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cho đến tận buổi tập cuối [ở Arsenal], cậu ấy hoàn toàn không bao giờ bỏ qua việc khống chế hay chuyền bóng. Và nếu nó không hoàn hảo, cậu ấy sẽ không vui. Nhưng đó là đặc điểm của một cầu thủ đẳng cấp hàng đầu: cậu ấy không vui… hay chính xác hơn là không hài lòng chứ không phải không vui vì đôi khi bạn đã tiệm cận sự hoàn hảo. Bạn có thể vui, nhưng sẽ không hài lòng. Cậu ấy muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo và đó là điểm chung của những cầu thủ hàng đầu. Họ cần sự hoàn hảo. Và đó là Bergkamp”.

Dennis Bergkamp - hinh mau cua su hoan hao hinh anh 2 Dennis_Bergkamp_2.jpg

Cố huyền thoại Johan Cruyff đánh giá Dennis Bergkamp nằm trong nhóm cầu thủ đặc biệt và thông minh vì chơi bóng bằng đôi chân và đầu óc.

“Tôi yêu mọi thứ của Bergkamp”, Henry nói. “Tất cả mọi thứ!”. Và anh biết tôi yêu điều gì nhất không? Cách anh ấy tập luyện. Anh ấy là một hình mẫu cho tôi. Nếu anh ấy khống chế trượt – hoặc thậm chí đường bóng không thể khống chế – anh ấy sẽ thấy khó chịu.

Mọi thứ phải hoàn hảo. Ngay cả trong lúc tập luyện. Chúng tôi chạy và anh ấy phải là số một. Chúng tôi ở phía trước khung thành và mọi pha dứt điểm phải hoàn hảo. Chúng tôi chuyền bóng và mọi đường chuyền phải hoàn hảo. Nếu trời có gió, bạn sẽ thấy anh ấy tập luyện ở ngoài trời… ‘OK, nếu tôi sút vào đó, gió sẽ đưa quả bóng đến chỗ này chỗ kia…’. Nếu bạn lấy bóng của anh ấy, anh ấy sẽ đuổi theo bạn cho tới khi bạn phải nhả lại bóng cho anh ấy hoặc sẽ phạm lỗi với bạn. Đó là trong lúc tập luyện! Tôi chưa từng thấy ai như thế.

Mọi thứ luôn ở trạng thái 100%. Anh ấy là một người rất vui tính. Nhưng khi làm việc thì không có đùa cợt gì cả. ‘Tạt bóng chính xác!’… khống chế phải hoàn hảo. Mọi thứ phải hoàn hảo. Không bao giờ có chuyện ‘Ô vui vẻ thôi’. Không bao giờ! Điều đó thật điên rồ.

Tôi nhìn anh ấy và nghĩ: ‘Mình đoán đó là lý do tại sao anh ấy là Dennis Bergkamp’. Dù là bất kể điều gì: anh ấy đều như thế. ‘Quả bóng này quá mềm – đổi nó đi’. Anh ấy cũng thay đổi tôi. Anh ấy thay đổi thái độ và cách tập luyện của tôi. Tất nhiên, càng lớn tuổi anh ấy càng thi đấu ít hơn. Nhưng về cách anh ấy tập luyện cơ! Anh ấy có thể đứng ở đường biên và nói: ‘Tôi là Dennis Bergkamp. Năm nay tôi 35 tuổi. Tại sao tôi nên cố gắng tập luyện chăm chỉ? Thậm chí tôi sẽ không thi đấu trong tuần này’. Nhưng anh ấy luôn tập luyện hết sức mình!”.

Dennis Bergkamp - hinh mau cua su hoan hao hinh anh 3 Dennis_Bergkamp.gif

Siêu phẩm của Dennis Bergkamp ghi vào lưới Newcastle năm 2002.

Bức tranh hoàn hảo của Bergkamp

Ian Wright nhớ lại bàn thắng mà Bergkamp đã ghi vào lưới Tottenham trên sân Highbury (mùa giải 1996/97). Từ cánh phải, Wright vặn sườn và đảo bóng, loại bỏ sự truy cản và sau đó thực hiện quả tạt tầm cao về phía khung thành. Bergkamp nhận bóng chỉ với một cú chạm bằng lòng, ngoặt bóng vào trong, đánh bại cả hậu vệ biên và thủ môn trước khi dứt điểm vào góc đối diện. Hơn 15 năm sau, Wright vẫn còn kinh ngạc bởi những gì anh chứng kiến.

“Một chạm! Chỉ cần một chạm! Chúng ta đang nói về một đường bóng bay khoảng 40 thước trên không trung và được cậu ấy xử lí gọn gàng. Không chỉ thế, cậu ấy còn loại bỏ hậu vệ và thủ môn… Cú chạm của cậu ấy khiến quả tạt của tôi trông thật đẹp nhưng thành thực mà nói đó là tất cả những gì tôi có thể làm.

Tôi nghĩ: ‘Mình phải đưa bóng vào đúng hướng của cậu ấy’. Tôi biết Bergkamp sẽ không đánh đầu đâu nhưng tôi cũng biết nếu tôi đưa bóng đi quá một chút, có khả năng cậu ấy sẽ làm điều gì đó mà tôi thậm chí không thể nghĩ ra.

Khi bạn xem lại nó một lần nữa thì sẽ thấy được sự hoàn hảo trong cú chạm bóng đá là như thế nào. Cậu ấy giăng một cái bẫy, ngoặt bóng trở lại với tốc độ chính xác và tất cả những gì cần làm là đưa bóng vào lưới. Và hãy nhìn pha ăn mừng của cậu ấy sau đó. Đầu gối quỳ xuống, hay tay co lên. Như một bức tượng vậy: ở đó bạn sẽ thấy cậu ấy không phải ‘The Iceman’ mà ẩn sâu trong đó là niềm đam mê của cậu ấy. Đó là một điều thật đẹp.

Tôi sẽ luôn nói rằng ngay cả với Henry và tất cả những con người này, Bergkamp là bản hợp đồng tốt nhất mà Arsenal đã và sẽ thực hiện được. Những gì cậu ấy làm cho câu lạc bộ…”.

Dennis Bergkamp - hinh mau cua su hoan hao hinh anh 4 Dennis_Bergkamp_1.jpg

Dennis Bergkamp đã mang đến sự khác biệt cho Arsenal và Ngoại hạng Anh ở giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới.

Henry là người đã nhận được nhiều đường chuyền hoàn hảo của Bergkamp. “Bergkamp coi trọng trận đấu và bất cứ điều gì trận đấu yêu cầu anh ấy làm thì anh ấy sẽ thực hiện. Nếu anh ấy phải đợi thêm một giây nữa để chuyền cho tôi đường bóng hoàn hảo thì anh ấy sẽ chờ.

Nếu anh ấy phải chuyền bóng vào chân trái của tôi vì đó là cách duy nhất tôi không thể mất bóng thì anh ấy sẽ chuyền vào chân trái. Nếu anh ấy phải chuyền bóng lên trên đầu bạn thì bóng sẽ ở trên đầu của bạn. Nếu anh ấy phải chơi một chạm ngay lập tức thì anh ấy sẽ một chạm ngay lập tức. Tất cả mọi thứ anh ấy làm đều tuyệt vời.”

Bergkamp không thiếu sự sắc sảo khi ca ngợi khả năng di chuyển, sự thông minh của các đồng đội và chính kỹ năng đã khiến pha kiến tạo của anh có thể thực hiện được.

“Tôi luôn vẽ ra một bức tranh trong đầu về cách nó sẽ được thực hiện trong vòng ba hoặc hai giây. Tôi có thể tính toán hoặc cảm nhận nó. Tôi nghĩ: ‘Anh ta di chuyển theo cách này, và cậu ấy di chuyển theo cách kia nên nếu tôi chuyền bóng nhanh, cả hai bọn họ đều không thể chạm bóng vì họ đang di chuyển khỏi hàng ngang của tôi. Khi đúng tốc độ và đúng cầu thủ đang đến… yeah!

Giống như đường chuyền cho Vieira trước Leicester trên sân Highbury. Tôi nghĩ đó là trận đấu bất bại cuối cùng của chúng tôi. Tỉ số 1-1 hay 2-1, tôi không nhớ. [Vieira ghi bàn nâng tỉ số lên 2-1]. Có rất đông cầu thủ trong vòng cấm nhưng cậu ấy chỉ vừa mới chạy và tôi có thể chuyền bóng vào giữa… Tôi rất tự hào! Tôi có thể tận hưởng nó thực sự! Và niềm vui thậm chí còn lớn hơn vì đó cũng là một bàn thắng có ý nghĩa”.

Bergkamp và những cú đỡ bóng nghệ thuật Dennis Bergkamp thời đỉnh cao phong độ là bậc thầy trong những pha đỡ bước một. Ông thường xuyên dùng kỹ thuật này để gây bất ngờ và vượt mặt đối thủ.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/dennis-bergkamp-hinh-mau-cua-su-hoan-hao-post1080493.html)

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

‘Con yêu mẹ vì mẹ là tất cả’

Con biết mẹ đã chịu bao nhiêu vất vả vì con. Mẹ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất và luôn nhận về mình những vất vả lo toan.

Ai trong mỗi chúng ta đều có mẹ. Mẹ là người mang nặng đẻ đau, có công sinh thành và chịu nhiều vất vả để nuôi dạy chúng ta. Mẹ là người duy nhất trong cuộc đời này yêu thương và bảo vệ chúng ta một cách vô điều kiện.

Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn thể hiện tình yêu dành cho mẹ qua những điều giản dị, chân thành nhất như những cuốn sách dưới đây.

'Con yeu me vi me la tat ca' hinh anh 1 Con_yeu_me_1_.jpg

Cuốn sách Con yêu mẹ. Ảnh: Phúc Minh Kids.

“Con yêu mẹ”

Con yêu mẹ là cuốn sách bao gồm những bài thơ viết về mẹ, cũng như tình cảm mà bé dành cho mẹ.

Cuốn sách gồm 16 bài thơ ngắn, với lời thơ giản dị, mộc mạc kể về tình cảm mẹ – con.

Không chỉ là những mẩu chuyện nhỏ của em bé và mẹ, đó còn là câu chuyện giữa giữa mẹ con nhà gà, mẹ con vịt, chuột túi, thỏ trắng… với góc nhìn trẻ thơ trong sáng, ngây thơ.

Xuyên suốt cả cuốn sách là những bài thơ mang đến cảm nhận về sự ấm áp của những cái ôm, lời ru. Bạn sẽ bắt gặp lời thủ thỉ của tác giả rằng mẹ buồn như thế nào mỗi khi bé gây chuyện.

Có cả những em bé nằm trong vòng tay mẹ, biết mẹ thấm mệt rồi nên cũng cố nằm lặng yên, thở cũng thật êm để cho mẹ ngủ.

Cách yêu thương của kangaroo mẹ với chiếc túi to trước bụng dành cho kangaroo con. Cuốn sách không có gì ngoài tình yêu thương, sự thấu hiểu sâu sắc:

“Bao điều mẹ dặn / Bé biết làm sao / Đau đầu… Ôi chao! / Ước đừng phải nhớ!

Nhưng rồi chợt nghĩ / Mẹ có nói nhiều / Cũng bởi một điều / Mẹ yêu bé nhất!” – Trích đoạn trong bài thơ Lời mẹ như khúc ca của cuốn sách Con yêu mẹ.

'Con yeu me vi me la tat ca' hinh anh 2 con_yeu_me_vi_me_la_tat_ca_1_.jpg

Cuốn sách Con yêu mẹ vì mẹ là tất cả. Ảnh: Phúc Minh Kids.

“Con yêu mẹ vì mẹ là tất cả”

“Con yêu mẹ”, 3 từ thiêng liêng mà đã bao lần con muốn nói. Có ai kể hết được những việc mẹ làm cho con? Có ai đong đếm được tình yêu mẹ dành cho con?

Tình mẹ, như suối nguốn chảy mãi, tưới mát tâm hồn con. Từ tận đáy lòng, con chỉ muốn nói, con yêu mẹ vì mẹ là tất cả!

“Ngày nào cũng như vậy / Mẹ dậy sớm nhất nhà / Đi chợ rồi nấu ăn / Lo cho con đến lớp…”.

Cuốn sách Con yêu mẹ vì mẹ là tất cả bắt đầu một cách nhẹ nhàng như vậy. Cứ thế, một ngày của mẹ hiện ra, sáng – chiều – tối quấn quýt bên nhau, yêu thương, chăm sóc.

Và điều yêu thương nhất, cuốn sách kể chuyện dưới góc nhìn của con, chính vì vậy mà có một sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc đặc biệt.

Chắc chắn với cuốn sách này, bất kỳ người mẹ nào cũng được an ủi. Còn bất kỳ người con nào cũng sẽ biết yêu thương mẹ nhiều hơn.

'Con yeu me vi me la tat ca' hinh anh 3 me_yeu_1_.jpg

Cuốn sách Mẹ yêu. Ảnh: Phúc Minh Kids.

“Mẹ yêu”

Là cuốn sách nằm trong bộ sách song ngữ Việt – Anh (Mẹ yêu, Bố yêu, Bé yêu) thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Cùng là cuốn sách viết về tình cảm với mẹ yêu, cuốn sách này lại mang một phong cách gần gũi như chính cuộc sống hàng ngày.

Ở đó có cả những tiếng mè nheo của em bé, nhưng mè nheo là vì “Bất chợt con tỉnh giấc / Mẹ đi đâu mất rồi / Con lo sợ biết mấy / Mẹ đâu rồi? Mẹ ơi!”.

Có cả lúc em bé ốm, em bé ngã đau khóc nữa, nhưng tất cả lại càng cho thấy mẹ yêu bé hơn tất cả mọi thứ và em cũng yêu mẹ như vậy.

Những cuốn sách này đều mang thông điệp ý nghĩa gửi đến các bé và bố: “Đừng ngại bày tỏ cảm xúc, cũng đừng ngại nói lời yêu thương mỗi ngày với mẹ vì mẹ luôn là người đem lại hạnh phúc cho cả gia đình”.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/con-yeu-me-vi-me-la-tat-ca-post1082886.html)

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

St. Louis và ‘trái tim tan vỡ’ của nước Mỹ

Trong cuốn sách, St. Louis hiện lên không chỉ là nơi giao cắt của những dòng sông lớn, mà còn là “cái nôi” của nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực ở Mỹ.

Một thế kỷ trước, W.E.B. Du Bois đã chọn St. Louis, “giao điểm của những con sông hùng vĩ”, làm bối cảnh cho một thảm kịch trong tác phẩm của mình.

Mùa hè năm 1917, sau một cuộc tranh cãi lao động tại nhà máy nhôm, người da đen ở phía đông St. Louis đã bị truy đuổi, bắt giữ rồi treo lên để đánh đập, thiêu hoặc bắn chết.

Những người hàng xóm da trắng đối xử với họ tàn nhẫn vô cớ, quái đản và ngông cuồng. “Không phải công nhân da trắng Mỹ sắp chết đói”, Du Bois viết về sự bùng nổ kinh tế thời chiến, “mà vấn đề với họ là có nên thôi không sắm sửa phòng khách, mua chiếc đầu đĩa than, hay chiếc xe Ford không”.

St. Louis va 'trai tim tan vo' cua nuoc My hinh anh 1 Picture1.jpg

Bìa sách “The Broken Heart of America”. Ảnh: New York Times

Cuộc thảm sát ở phía đông St. Louis năm 1917, trong cuốn “The Broken Heart of America” (Trái tim tan vỡ của nước Mỹ) của Walter Johnson, khắc họa bức tranh đáng sợ về thành phố này trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử nước Mỹ gắn liền với sự thượng đẳng tự phong của dân da trắng, chủ nghĩa tư bản và bạo lực.

Johnson mở đầu cuốn sách với cuộc thám hiểm của Lewis và Clark vào đầu thế kỷ 19 và kết thúc bằng hình ảnh cảnh sát bắn chết Michael Brown, một người Mỹ gốc Phi không vũ trang, ở Ferguson, Missouri, năm 2014.

Là giáo sư tại Đại học Harvard và tác giả chai cuốn sách về chế độ nô lệ trước đây, Johnson thừa nhận ông cũng có liên quan cá nhân tới chủ đề này – không phải là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản phân biệt chủng tộc mà “vô tình hưởng lợi” từ nó.

Ông lớn lên ở vùng ngoại ô cách phía tây St. Louis hai giờ lái xe, giữa một cộng đồng người da trắng chỉ ưa nói về những vấn đề kiểu “tài sản giá trị cao” hay “trường điểm”, và thường làm ngơ trước thói phân biệt chủng tộc của những người xung quanh bằng cách coi đó là vô tình.

Điều đó đã mang đến cho họ cảm giác vô can, ông viết, vì đã không nhận ra cuộc sống “thượng đẳng” của mình được xây dựng dựa trên sự bài xích.

Johnson sử dụng từ “xây dựng”, lập luận rằng sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng không chỉ thấm đẫm trong từng trang lịch sử của thành phố này mà còn được “tích hợp” trong kiến ​​trúc và thậm chí cả cảnh quan vật lý của nó. Nằm ở nơi giao cắt của hai con sông: Mississippi và Missouri, St. Louis cũng là nơi chế độ nô lệ miền Nam giao thoa với những nỗ lực mở rộng lãnh thổ về phía tây.

Thành phố được coi là đầu não của chiến dịch Xóa bỏ Người da đỏ; và với Thỏa thuận Missouri năm 1820, nơi đây cũng trở thành một trong những tiền đồn cực bắc của chế độ nô lệ ở Liên bang miền Bắc.

Vào thế kỷ 20, St. Louis cũng là nơi áp dụng triệt để chính sách nhà ở bất công và dẹp bỏ các khu phố của người da đen. Những khu nhà ở tập thể khổng lồ theo dự án Pruitt-Igoe phổ biến trong thập niên 1950 và 1960 bị lãng quên, xập xệ tới mức không thể sửa chữa nổi trước khi “bị khai tử” thành đống đổ nát.

“Câu chuyện về địa lý nhân khẩu của St. Louis cũng giống như câu chuyện về ‘loại bỏ người da đen’”, Johnson viết, xâu chuỗi cùng với việc loại bỏ người da đỏ bản địa thế kỷ trước, để làm bật lên “sự lên ngồi của người da trắng.”

Khi nói đến lịch sử phân biệt và chủng tộc và bài xích ở Mỹ, St. Louis tuy không phải là nơi duy nhất “nhức nhối” về vấn đề này, nhưng lại cực đoan hơn cả.

Trong cuốn sách, ông đã đặt tiêu đề cho chương về Hội chợ Toàn cầu 1904 được tổ chức St. Louis là “Babylon của Thế giới mới” – cụm từ bắt nguồn từ lời khen ngợi trong Thời đại Kim tiền tôn vinh St. Louis như trung tâm văn hóa, nhưng Johnson thực chất ám chỉ tới ý nghĩa của Babylon trong Kinh Cựu ước – thành phố “tự hào về thời kỳ huy hoàng và những tham vọng vô biên của nó, nhưng lại mục ruỗng từ bên trong”.

St. Louis va 'trai tim tan vo' cua nuoc My hinh anh 2 Picture1.png

Tác gỉả Walter Johnson. Ảnh: New York Times

Johnson là nhà hùng biện tài giỏi và khéo léo, liên tục tung hứng, châm biếm về các sự kiện lịch sử trong khi nuôi dưỡng ngọn lửa giận dữ liên tục cháy trong lời văn của mình.

Đôi khi những ẩn dụ của ông có thể hơi quá gay gắt; sau khi mô tả cách thành phố Ferguson áp dụng mức tiền phạt “cắt cổ” đối với những người nghèo nhất để tài trợ cho chi phí hoạt động, có lẽ ông đã không cần phải so sánh một hình thức trích xuất doanh thu khác với việc “một kẻ nghiện đang dùng tiền ăn trưa của con mình để tiêu xài”.

Ông cũng có phần quá tỉ mỉ với những phân đoạn giải thích dài dòng mà đôi khi chỉ cần một lời cáo buộc gãy gọn là đủ.

Nhưng câu chuyện Johnson kể có nhiều yếu tố khiến ông cảm thấy cần phải làm rõ những rắc rối xoay quanh việc huy động tài trợ từ tăng thuế và trái phiếu đô thị, cũng như để người đọc nhận ra: quá nhiều sự bóc lột nằm trong từng chi tiết.

Trong “The Broken Heart of America”, St. Louis gắn với nhiều cột mốc “đầu tiên”: một trong nơi đầu tiên ghi nhận các vụ hành hình “kiểu giang hồ” đối với người da đen do vấn đề chủng tộc vào năm 1836; thành phố đầu tiên thông qua sắc lệnh phân khúc dân cư qua trưng cầu dân ý năm 1916.

Dred Scott đã nộp đơn kiện đòi tự do lần đầu tại St. Louis, nơi ông sinh sống; cuối cùng, nó đã đến được Tòa án Tối cao, nơi Chánh án Roger Taney phủ quyết vì cho rằng người da đen “không có các quyền mà người da trắng phải tôn trọng”.

Nhưng sự đoàn kết và phản kháng cũng sục sôi ở St. Louis. Trong cuộc Đại suy thoái, các công nhân da đen và da trắng đã cùng nhau thực hiện một loạt các cuộc biểu tình tại thành phố.

Cũng trong khoảng thời gian đó, những lao động nữ da đen đã khởi xướng một cuộc đình công tại nhà máy Funsten Nuts, lao động da trắng cũng tham gia; và cùng nhau, họ đã thành công trong việc buộc công ty phải tăng lương gấp đôi. Tám thập kỷ sau, vụ nổ súng giết chết Michael Brown đã khởi xướng phong trào Black Lives Matter.

Đoạn kết của Johnson bắt đầu bằng một hình ảnh đáng báo động: ngay bên ngoài St. Louis, một đám lửa đốt rác thải sinh hoạt dưới lòng đất đang lan dần đến bãi chôn rác thải hạt nhân.

Nhưng ông chưa dừng lại ở đó. Chín trang sau, ông đưa ra một hình ảnh khác, dường như đối lập với cái trước, về những vận động viên thiếu niên tập chạy vòng quanh một tuyến đường phía bắc thành phố.

Đối với nhiều em trong số đó, cuộc sống ở nhà rất khó khăn, nhưng năm ngoái, hơn một nửa đội đủ điều kiện tham gia Thế vận hội. “Chúng chạy trong ánh nắng tắt dần”, Johnson viết, “những đứa trẻ đang có những bước tiến dài không tưởng”.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/st-louis-va-trai-tim-tan-vo-cua-nuoc-my-post1082587.html)

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Báo ‘Đời mới’ năm 1935 trong ký ức Trần Huy Liệu

“Đời mới” không do ông chủ nào đầu tư tiền bạc, không ai quản lý. Ngay từ số đầu tiên, “nó đã phải sống bằng những món vay mượn, quyên góp của các anh em”.

Trần Huy Liệu được biết đến ở rất nhiều vị trí, nhà cách mạng, nhà báo, nhà sử học… Sự nghiệp báo chí của ông rất đáng kể.

Ông từng trải qua đời làm báo sôi nổi trước năm 1945 và ở Côn Đảo. Trong những tờ báo ông đứng chủ và cộng tác, có tờ Đời mới.

Làm báo nơi căn gác hẹp

Trong lịch sử ra đời, phát triển của báo chí Việt Nam, nhiều tờ báo mang tên Đời mới. Riêng với tờ Đời mới được nói tới ở đây, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam cho hay:

“ĐỜI MỚI. Hà Nội. Xuất bản hàng tuần. Số 1, ngày 24/3/1935; số cuối cùng, số 4, ngày 14/4/1935. Giám đốc: Lê Văn Hòe; Quản lý: Nguyễn Mạnh Chất; Tòa soạn 17, phố Hàng Khoai; In ở nhà in riêng. 450x300mm”.

Báo Đời mới do Nguyễn Đức Kính (anh ruột Nguyễn Đức Chính), sau khi ra khỏi nhà tù Sơn La, đã cùng một số người bạn chủ trương.

Dạo ấy vào tháng 2/1935, Trần Huy Liệu (1901-1969) đang ở quê nhà, sau khi ở Côn Đảo, được mời về Hà Nội làm báo.

Bao 'Doi moi' nam 1935 trong ky uc Tran Huy Lieu hinh anh 1 3.png

Thiên phóng sự Côn Lôn ký sự của Trần Huy Liệu từng đăng trên Đời mới, được báo Ánh sáng số 42, ra ngày 21/9/1935, đăng lại. Ảnh chụp lại file báo Ánh sáng số 42.

Trần Huy Liệu nhớ nhiều thông tin liên quan báo. Trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông cho biết để xin được giấy phép ra báo, những người đã bị án chính trị chắc chắn khó.

Ông Lê Viết Hổ, dẫu không làm báo, nhưng không có vấn đề gì về chính trị trong mắt thực dân, đã đứng tên xin xuất bản báo và được phép.

Trụ sở của tòa soạn báo ở số 17 phố Hàng Khoai. Tiếng là tòa soạn nhưng đó là căn gác chật hẹp với cách trang trí không hơn gì một gia đình.

Các thành viên của tòa soạn có những cái tên như Nguyễn Đức Kính, Lê Văn Hòe, Thành Thế Vỹ, Nguyễn Mạnh Chất và Trần Huy Liệu.

Việc duyệt bài ở đây cũng không giống các tòa soạn báo thông thường: “Tòa soạn chúng tôi không có lệ duyệt bài, nghĩa là ai muốn viết gì thì viết”.

Khi Trần Huy Liệu về làm báo, số báo Đời mới đầu tiên đã được xuất bản. Từ số 2 trở đi, báo có thiên phóng sự Côn Lôn ký sự của Trần Huy Liệu.

Theo Hồi ký Trần Huy Liệu,Côn Lôn ký sự chỉ đăng được 3 kỳ trên Đời mới. Sau đó, báo Ánh sáng ở Huế đăng lại từ đầu thiên phóng sự ấy kể từ số 23 (4/5/1935).

Xem những số báo Ánh sáng được lưu trữ trên website của Thư viện Quốc gia Việt Nam, thấy rằng Côn Lôn ký sự được đăng rải rác không đều kỳ. Có thể thấy nội dung Côn Lôn ký sự trên số 39, ra ngày 14/9/1935; số 42, ra ngày 21/9/1935…

Tờ báo của những ký giả thừa nhiệt huyết, nhưng thiếu… tiền

Không có ai đứng chủ về mặt nội dung, chẳng có ai trị sự, thiếu một tổ chức lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, chuyên nghiệp nên các bài viết trên báo không đi theo một hướng.

Thậm chí, các bài viết có những điểm mâu thuẫn nhau, nhưng về cơ bản, “màu đỏ vẫn nổi bật hơn các màu khác”.

Cũng vì cái màu đỏ theo xu hướng cộng sản ấy, Đời mới được chính quyền sở tại dạo đó rất “quan tâm”. Trần Huy Liệu từng kể luôn có ít nhất 4 tên mật thám thay phiên nhau canh gác, theo dõi tòa soạn Đời mới. Mỗi khi mấy ông nhà báo bước chân khỏi cửa, chúng liền bám theo.

Báo Đời mới được lập ra, nhưng lại thiếu cơ sở để có thể tồn tại lâu dài, ấy là vốn. Báo không do ông chủ nào bỏ vốn, chuyện tiền bạc lại không có ai quản lý. Để xuất bản được, ngay từ số đầu tiên, “nó đã phải sống bằng những món vay mượn, quyên góp của các anh em”.

Thế nên, mới đến số 2, các nhà báo đã phải lo sốt vó vì không có tiền trả nhà in. Bởi vậy, “có lúc báo ‘nằm vạ’ ở nhà in Long Quang, chờ mấy ngày mới có tiền chuộc ra”.

Vấn đề này chẳng phải chỉ có ở Đời mới. Nhiều tờ báo dạo trước 1945 rơi vào thảm cảnh “chạy ăn từng bữa”, “giật gấu vá vai” kiểu đó và việc “nằm vạ” ở nhà in là chuyện thường.

Bao 'Doi moi' nam 1935 trong ky uc Tran Huy Lieu hinh anh 2 2.jpg

Nhà báo Trần Huy Liệu. Ảnh tư liệu.

Lại nói về Đời mới, ngay cả bộ sậu làm báo cũng ăn ở cùng một chỗ kiểu sinh hoạt tập thể ở nhà ông giáo Khánh, nhưng cũng không nói đến chuyện trả tiền ăn uống, sinh hoạt.

Với những hạn chế về tài chính, tổ chức bộ máy, dẫu báo chiếm được nhiều cảm tình từ công chúng, theo Trần Huy Liệu, đến số 7, tương đương 7 tuần sống nơi làng báo, Đời mới bị chính quyền rút giấy phép, kết thúc chóng vánh sinh mệnh của tờ tuần báo thiếu hẳn ban trị sự, phương tiện tài chính và luôn sống trong tình trạng đói vốn.

Tuy vậy, căn cứ thư tịch báo chí, cũng như luận chứng thiên phóng sự của nhà báo họ Trần đăng được 3 kỳ trên Đời mới kể từ số 2, việc Đời mới ra được 4 số là xác đáng hơn.

Ngay chính Trần Huy Liệu, khi viết hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đã phải rào trước rằng: “Viết tập hồi ký này, tôi cố gắng nhớ lại để nói lên những sự thật mà tôi đã biết, đã sống. Nếu có gì sai lầm thì thường là sai lầm về con số và ngày tháng vì lâu ngày đã lộn xộn quên đi, chưa kịp tra cứu”.

Hồi ký trên ra đời năm 1960, đã cách 25 năm quá vãng Đời mới rồi.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/bao-doi-moi-nam-1935-trong-ky-uc-tran-huy-lieu-post1076027.html)

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Victoria Beckham từng vác bụng bầu lao vào đấm Beckham vì ngoại tình

Bà xã Beckham tiết lộ trong tự truyện cô từng lao vào đấm chồng sau khi nghe tin anh hôn người phụ nữ khác. Lúc ấy, cô đang mang bầu con trai lớn Brooklyn.

Thời gian gần đây, truyền thông Anh liên tục khơi lại chuyện Victoria đánh chồng trong thời gian mang thai Brooklyn Beckham. Sự vụ này diễn ra năm 1999, lúc cựu thành viên Spice Girls mang thai con đầu lòng.

Sự kiện chấn động này được tiết lộ trong tự truyện Learning to Fly, xuất bản năm 2001. Theo đó, trong lúc bà Beck đang lưu diễn, cựu danh thủ người Anh đã gọi điện tự thú hôn người phụ nữ khác.

Khi gặp lại, dù đang mang thai, cô không ngần ngại vung tay đấm chồng.

Victoria Beckham tung vac bung bau lao vao dam Beckham vi ngoai tinh hinh anh 1 vic.jpg

Victoria Beckham tiết lộ đánh chồng trong tự truyện.

“Tôi chưa bao giờ đấm ai. Tôi cũng không lên kế hoạch đánh chồng. Lúc ấy, vì quá thất vọng và đau lòng, tôi đã lao vào hành hung anh ta”, Victoria tiết lộ trong tự truyện.

Trong Learning to Fly, thậm chí cựu thành viên Spice Girls tiết lộ từng nghĩ đến ý định tự vẫn. Tuy nhiên, danh thủ sinh năm 1975 đã thuyết phục, chứng minh tình cảm và mong vợ tha thứ.

Hai ngôi sao nổi tiếng đã đến Italy với mục đích hâm nóng tình cảm và giải quyết nghi ngờ. Cuối cùng, bà Beck tha thứ cho chồng. Hai người tổ chức hôn lễ 4 tháng sau khi đón con trai đầu lòng Brooklyn.

Về chuyện Beckham trăng hoa, đã có nhiều bài viết, nguồn tin nói về việc này. Với những tin đồn vô căn cứ, bà mẹ 4 con tỏ ra không quan tâm. Nhưng nhiều lời đồn cũng khiến cô sinh nghi.

Năm 2004, cựu danh thủ người Anh vướng vào bê bối ngoại tình. Rebecca Loos – thư ký riêng của Beckham khi đó – đã tiết lộ ngôi sao nổi tiếng đã ngoại tình với mình trong thời gian anh mang áo Real Madrid.

NTK thời trang nhanh chóng phủ nhận vì không muốn ảnh hưởng đến sự nghiệp sân cỏ của chồng. Mãi đến năm 2013, khi Beckham tuyên bố giã từ sân cỏ, bà Beck mới thừa nhận giai đoạn ấy khiến cả gia đình cô lục đục, gặp khó khăn.

Năm 2018, nhà Beck tiếp tục vướng tin đồn rạn nứt. Trong năm nay, họ hạn chế xuất hiện cùng nhau. Dailymail nói rằng tuy không nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng việc gia đình lục đục, mâu thuẫn là hoàn toàn có thật.

Trong show The Sunday Project, Beckham thừa nhận hôn nhân lâu năm rất khó khăn và phức tạp, không dễ dàng giữ lửa, mặn nồng như thuở đầu.

Đến năm 2020, Beck liên tục xuất hiện trên báo chí với hình ảnh gia đình hạnh phúc. Họ cùng nhau tổ chức tiệc sinh nhật cho con trai lớn trị giá 100.000 bảng Anh, ôm hôn thắm thiết. Ngày 8/3, cựu danh thủ 45 tuổi đăng ảnh hạnh phúc bên vợ, khẳng định Victoria Beckham là người phụ nữ tuyệt vời, không ai có thể thay thế.

Victoria Beckham tung vac bung bau lao vao dam Beckham vi ngoai tinh hinh anh 2 b9.jpg

Đế chế Beckham luôn đứng trên bờ vực phá sản.

Dù vậy, 2020 cũng được xem là năm xui tháng hạn của gia đình quyền lực. Trong khi con trai trưởng liên tục bị trách là kẻ bất tài, suốt ngày đăng ảnh yêu đương với con gái tỷ phú. Vợ chồng Beck lại thua lỗ trong kinh doanh, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Về phía Victoria Beckham, việc kinh doanh thời trang thua lỗ khiến cô sa thải 30 nhân viên. Đồng thời cô yêu cầu nhận trợ cấp từ chính phủ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, hành động của Victoria bị chỉ trích. MC Piers Morgan cho rằng “chế độ này không dành cho những ngôi sao triệu phú điều hành doanh nghiệp phù phiếm, nổi tiếng mà không làm ra tiền”.

Thương hiệu thời trang hợp tác với David Beckham cũng lỗ sập sàn. The Sun tiết lộ thương hiệu này đã báo cáo mức thua lỗ 22 triệu USD. Hình ảnh danh thủ nổi tiếng không cứu vớt được khủng hoảng doanh số thời Covid.

Nguồn: Zing (https://news.zing.vn/victoria-beckham-tung-vac-bung-bau-lao-vao-dam-beckham-vi-ngoai-tinh-post1082977.html)

Tiếp tục đọc

Xu hướng