Connect with us

Văn học

Hoàng Trần Cương – Người “Nghệ” nhất trong những người Nghệ

 Nếu chọn một nhà thơ hay nhất xứ Nghệ và viết hay nhất về xứ Nghệ quê hương, tôi chọn Hoàng Trần Cương.

Nếu chọn một người yêu xứ Nghệ nhất, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Nếu chọn một người mang tính cách Nghệ nhất, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Và nếu chọn một nhà thơ hay nhất xứ Nghệ và viết hay nhất về xứ Nghệ quê hương, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Với tôi, Hoàng Trần Cương “nghệ” nhất trong những người Nghệ mà tôi quen biết.

Người của ba dòng sông

Một điều không nhiều người biết, Hoàng Trần Cương sinh ra nơi xứ Nghệ nhưng anh lại được nuôi sống và lớn lên nhờ ba dòng sông. Sông Lam quê anh, sông Cầu của thời trai trẻ và sông Hồng, nơi anh từ chiến trường trở về giảng đường để rồi hôm nay, anh mất giữa Thủ đô Hà Nội vào những ngày sông Hồng yên ả nhất.

Hoàng Trần Cương sinh năm Mậu Tý, ở làng Đặng Lâm, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An, một làng nhỏ bên bờ dòng sông trong Trường ca Trầm tích: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa – Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Con sông luôn sôi sùng sục để tiếng khóc chào đời của Hoàng Trần Cương chìm nghỉm trong tiếng kêu gào chạy lụt của dân làng.

Lên 7 tuổi, cậu bé Cương theo bố ra Hà Nội học tiểu học ở đình Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, sát cạnh sông Hồng. Hết 4 năm tiểu học, sang cấp II, anh lại quay về học ở làng Đặng Sơn để rồi 3 năm sau đó, anh ra Hà Nội và theo cơ quan của ông cụ thân sinh (Tổng cục Thuỷ sản) sơ tán về Quế Võ, Bắc Ninh, nơi có con sông Cầu của các làng Quan họ để học cấp III.

Có lẽ vì có một tuổi thơ gắn chặt với Sông Lam, Sông Hồng và Sông Cầu nên trong tính cách của mình, Hoàng Trần Cương luôn bị các dòng sông “ám” như ma ám. Sông Lam đã cho anh sự quyết liệt và ý chí quật cường. Sông Hồng đã bồi đắp cho anh tầng phù sa trí tuệ và sông Cầu đã cho anh sự hào hoa và tinh tế của tâm hồn thi sĩ.

Hoàng Trần Cương - Người “Nghệ” nhất trong những người Nghệ - 1

Nhà thơ Hoàng Trần Cương vừa qua đời chiều ngày 9/4 tại Hà Nội.

Chàng sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”

Đang học năm thứ tư trường Đại học Tài chính – Kế toán – Ngân hàng (nay là Học viện Tài chính quốc gia), như nhiều sinh viên ở thời điểm đó, Hoàng Trần Cương ba lần viết đơn nhập ngũ. Hai lần đầu, anh dùng chính máu của mình để viết nhưng đều không được chấp nhận. Lần thứ ba, anh viết bằng bút máy hiệu Trường Sơn, bơm mực Cửu Long lại thành công. Chàng sinh viên Hoàng Trần Cương “xếp bút nghiên ra trận”, một phong trào sục sôi thời điểm đó.

Rời ghế gỗ của giảng đường đại học, anh nhảy tót lên chiếc ghế sắt của sư đoàn pháo cao xạ 367. Sư đoàn Anh hùng này có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô ở cửa ngõ Lạng Sơn. Tại đây, Hoàng Trần Cương đã tham gia nhiều trận đất đối không rất ác liệt. Cuối năm 1970, Sư đoàn 367 được điều chi viện cho Bản Đông – Nam Lào (phía quân đội Sài Gòn gọi là Lam Sơn 719), một chiến dịch lớn trong lịch sử quân đội ta.

Trong một trận đánh rất ác liệt, anh bị thương vào đầu, phải về Quân y viện Tiền phương điều trị. Vết thương chưa lành, anh lại cùng đơn vị tham gia chiến dịch 81 ngà đêm Quảng Trị. Chiến dịch kết thúc, đơn vị anh lại được cấp tốc điều ra Lạng Sơn để canh cửa ngõ phía Đông bắc Hà Nội trong những ngày Điện Biên Phủ trên không. Tháng 2/1975, Hoàng Trần Cương cùng đơn vị đi trong đoàn quân tiến về Sài Gòn.

Nhà thơ nghèo và bịch vàng lá Kim Thành

Chiến tranh kết thúc, Hoàng Trần Cương về Học viện Tài chính học nốt năm cuối cùng. Ra trường, anh vào Sài Gòn tham gia cải tạo tư bản tư nhân với cương vị Phó đoàn Cải tiến công tác quản lý của Bộ Tài chính khu vực phía Nam. Với tư cách cán bộ phúc tra, anh phải xem xét lại hầu hết các bản kê thuế của các doanh nhân có máu mặt ở Sài Gòn thời đó.

Có lần sau khi rà soát để tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp cho một nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng ở Sài Gòn mà trước đó làm chưa chính xác, ông này đã cho cô con gái mang đến tận phòng biếu Hoàng Trần Cương một bao mỳ nhãn hiệu Hai tôm loại 5kg giữa lúc anh đang cùng người bạn văn chương là Nhà thơ Trần Ninh Hồ bụng đói meo vừa ngâm thơ vừa xơi rượu nhạt.

Chờ cho khách đi khuất, hai “vĩ nhân” lao vào “hành quyết” bọc mì tôm mới tá hoả khi thấy một bít tất đầy vàng lá Kim Thành. Thế là anh lính nhà quê bỏ cả bữa rượu đem đến tận nhà trả lại trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của gia chủ.

Cách đây mấy năm, khi nghe Hoàng Trần Cương kể lại chuyện này tại quán bia 146 Phố Vọng, tôi hỏi: “Bác có bao giờ hối hận không?”. Hoàng Trần Cương nhìn thẳng vào tôi, nói rành rọt: “Không. Nếu lấy số vàng ấy, hoặc là tôi sẽ giàu nhất trong đám nhà văn thời đó hoặc là sẽ rũ tù trong khám Chí Hòa. Mà dù kết quả thế nào, tôi cũng sẽ không được là tôi của hôm nay”.

Phóng viên kinh tế thai nghén “đứa con văn chương”.

Năm 1981, Hoàng Trần Cương về Bộ Tài chính, được cử về báo Lương thực Việt Nam với cương vị kế toán trưởng. Đây là thời kỳ Hoàng Trần Cương phát huy cao nhất tố chất của một nhà tài chính. Anh đã cùng lãnh đạo tòa soạn đưa Lương thực Việt Nam trở thành tờ báo đầu tiên trong làng báo Việt Nam hạch toán độc lập và kinh doanh đa ngành nghề, một điều hết sức mới mẻ vào thời điểm đó.

Với danh nghĩa làm kế hoạch ba, tòa báo buôn đủ mọi thứ, từ sắt vụn, giấy, sách vở học sinh đến gạo, cám… Có lần Hoàng Trần Cương suýt bị ra tòa vì tội buôn giấy. Đây là những năm tháng Hoàng Trần Cương suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều về thế thái nhân tình, về giá trị của đồng tiền, đặc biệt là về chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội… Thời gian này, anh thai nghén Trầm tích, một trường ca đặc sắc sau Đổi mới.

Cuối năm 1993, Bộ Tài chính chủ trương xuất bản tờ Thời báo Tài chính Việt Nam. Những người bạn cũ ở Văn phòng Bộ chợt nhớ đến tay viết lách Hoàng Trần Cương và rủ rê anh về làm việc cho tờ báo này. Không do dự, anh lập tức bỏ nghề kế toán, về đầu quân cho Thời báo Tài chính với tư cách phóng viên.

Những tác phẩm báo chí nảy lửa như “Luồng và cảng, Ta phong tỏa mình, Tiền mất tật mang”… đánh mạnh vào cơ chế quản lý, điều hành lấn lướt, bao sân với những tàn tích của thời bao cấp, trói buộc các doanh nghiệp đã gây tiếng vang lớn trong dư luận khi đó. Những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu thời điểm đó như những vụ việc khuất tất ở sở Giao thông Công chính Hà Nội, Cục thuế Ninh Bình, Thương vụ 5,4 tỉ đồng và liên danh ma quỉ… đã thể hiện sự dũng cảm đương đầu, rất lính chiến của Hoàng Trần Cương.

Thế nhưng làm phóng viên chưa được 1 năm, Hoàng Trần Cương lại chuyển sang làm Trưởng phòng trị sự để 2 năm sau, lên Phó Tổng biên tập và đến đầu năm 2003, anh được bầu làm Tổng biên tập trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm công khai…

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt… tình yêu

Hoàng Trần Cương hay kể về những vụ “suýt tù” của anh như vụ buôn giấy, vụ mua sắt vụn, máy ông lính cưa nhầm cả.. xe tăng. Thế nhưng có một “tội” khiến Hoàng Trần Cương bị “tù” thật, mà rất có thể là án chung thân. Đó là vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt… tình yêu”.

Khi còn làm TBT tờ Tin sư đoàn ở Lạng Sơn, Hoàng Trần Cương hay về Quế Võ nơi gia đình anh sơ tán. Chàng Trung sỹ pháo cao xạ đem lòng thương nhớ một cô giáo cấp ba của một làng Quan họ. Không biết bao nhiêu lần, anh lính dày dạn, dũng cảm ngoài trận mạc Hoàng Trần Cương run rẩy trước cổng Trường phổ thông Bằng An – Quế Võ.

Và dù không biết bao nhiêu lần hạ quyết tâm, người lính trận Hoàng Trần Cương vẫn không đủ dũng cảm để qua mặt thầy hiệu trưởng nổi tiếng nghiêm khắc của trường.

Một hôm, lấy hết can đảm, Hoàng Trần Cương xông thẳng đến phòng thầy hiệu trưởng, chìa thẻ cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân xin làm việc với trường về công tác tự vệ của nữ giáo viên. Nhìn chàng Trung sỹ mặt lạnh như tiền, thầy giáo già đầy tin tưởng, cho tập hợp toàn bộ các cô giáo đứng xếp hàng nghe anh bộ đội “phổ biến tình hình chiến sự”.

Đến cuối buổi, bỗng “nhà báo nhớn” yêu cầu gặp gỡ một nữ tự vệ tiêu biểu và không chờ giới thiệu, anh đến chỉ vào một cô giáo hoa khôi của trường mời lên phòng để phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn diễn ra khoảng 7 phút chỉ với ba câu hỏi mà không có câu trả lời:

  • Cô có lấy tôi không?
  • …!
  • Tôi hỏi lại, cô có lấy tôi không?
  • …!
  • Cô không lấy tôi thì cô là con…. chợt thấy mặt cô giáo ửng đỏ, Hoàng Trần Cương giật mình. Đang bí thì rất may là khi đó, bỗng nhìn thấy chú chuột nhắt leo thoăn thoắt trên mái nhà, Hoàng Trần Cương chữa vội – Thì cô là… con chuột.

Chẳng biết có phải lo sợ bị… biến thành chuột vì lời nguyền của “nhà báo nhớn” hay không mà ít ngày sau đó, một hôn lễ khá hoành tráng giữa chàng “nhà báo nhớn” với cô giáo trẻ. Và từ đấy, Hoàng Trần Cương bị “cầm tù chung thân”. Gần gũi anh cả chục năm nay, đi nhậu với anh hàng trăm lần nhưng chưa thấy lần nào anh không nhắc đến vợ. Khi thì “Chị Chè (Phan Thị Chè) mày bảo…”. Lúc lại “Con mụ Chè vợ tao, chị mày ấy, nó bảo…”.

 Người lính 30 năm không ra khỏi chiến tranh

Từ hàng chục năm trước, Hoàng Trần Cương đã hay có thói quen “tính sổ” cho mình và bao giờ ông chuyên viên kinh tế cao cấp này cũng tính rằng anh đã lãi. Mà kiểu tính của anh thì anh lãi thật, rất lãi bởi anh so với… những đồng đội đã chết ở chiến trường năm xưa: “Mẹ ơi! Lẽ ra con cũng đã như bao đồng đội – Khi đất nước mình trận mạc – Những ngày sống bây giờ – Dẫu còn phần lấm láp – Nhưng với con kể như là lãi… Vâng có thể là con cũng như bao người lính – Cầu mong đất nước mình – Thôi gặp họa chiến chinh – Những ngày con đang sống bây giờ – Kể như là lãi…”- Trích Trường ca Đá đỏ.

Phải nói ở một khía cạnh nào đó, Hoàng Trần Cương lãi lớn. Nói như lời bộc bạch của anh là “đã hưởng đủ lộc giời”. Với tư cách nhà thơ, anh nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà Trầm tích (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2000) còn được coi là “Trường ca hay nhất kể từ sau đổi mới” (lời thi sĩ Hoàng Cầm). Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Anh và được quảng bá ở nhiều nhà hàng, tiệm ăn nơi nước Pháp.

Là nhà báo, anh làm đến chức Tổng biên tập một tờ báo lớn của một ngành lớn.

Là nhà tài chính, anh là chuyên viên cao cấp. Thế nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy Hoàng Trần Cương vẫn là người lính, mãi mãi là người lính. Một gã binh nhì mà hơn 30 năm rồi vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến tranh.

Hai điều thiệt thòi của thi sĩ tài hoa

Nhìn lại cuộc đời của thi sĩ Hoàng Trần Cương, cá nhân tôi thấy có hai điều anh bị thiệt thòi.

Cách đây mấy năm, dịp Nhà nước trao tặng Giải thưởng 5 năm cho các văn nghệ sĩ, rất nhiều người đều nghĩ với tài năng và sự đóng góp cho nền Văn học nước nhà, anh chắc chắn đến 101% đoạt Giải thưởng Nhà nước.

Thế nhưng không hiểu sao ngày công bố, lại không thấy có tên anh. Sau này, thấy báo chí nói là do anh… không đủ phiếu.

Thiệt thòi thứ hai, anh ra đi giữa những ngày dịch giã, cả nước thực hiện cách ly. Chắc chắn nhiều bè bạn và độc giả quý mến anh mà đành “bái vọng”.

Xin thắp nén hương thơm gửi tới hương hồn một người anh, một thi sĩ tài hoa mà tôi mến yêu và kính trọng.

MIỀN TRUNG

Hoàng Trần Cương

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam.

 Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi.

Miền Trung

Đã bao đời núi với bể kề đôi

Ôi! Biển Đông – giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ

Nóng hổi như vừa lăn xuống

Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm.

Miền Trung

Câu Ví Dặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người.

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong.

HTC

(5-1990)

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/hoang-tran-cuong-nguoi-nghe-nhat-trong-nhung-nguoi-nghe-20200410163549740.htm)

Đọc tiếp

Văn học

Netflix ra mắt phim về cuộc đời Michelle Obama và hồi ký “Chất Michelle”

 Ngày 6/5, bộ phim tài liệu dài 90 phút mang tên “Becoming” kể về cuộc đời của Michelle Obama, cũng như chuyến “book-tour” của Cựu đệ nhất Phu nhân Mỹ qua 34 thành phố sẽ được công chiếu trên Netflix.

Sau chiến thắng Oscar với phim tài liệu “American Factory”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle Obama tiếp tục hợp tác với Netflix thực hiện bộ phim kể về chuyến quảng bá cuốn hồi ký “Chất Michelle” (tên tiếng Anh là Becoming) của bà Michelle.

Netflix ra mắt phim về cuộc đời Michelle Obama và hồi ký “Chất Michelle” - 1

“Chất Michelle” xuất bản vào cuối 2018. Cuốn sách đưa người đọc đến gần hơn với cuộc đời của Michelle Obama về những thói quen, cuộc sống bên gia đình, các hoạt động cộng đồng…

“Chất Michelle” không chỉ là một câu chuyện ký ức sinh động về trải nghiệm rất riêng tư của một người phụ nữ có tư chất đặc biệt mà nó còn tái hiện rất chân thật những lát cắt lịch sử nước Mỹ đầy thăng trầm, vui buồn lẫn lộn trong cuộc đời Michelle Obama từ thuở thiếu thời đến khi bước vào Nhà Trắng.

Netflix ra mắt phim về cuộc đời Michelle Obama và hồi ký “Chất Michelle” - 2

Cuốn sách từng được xuất bản ở Việt Nam với số tiền bản quyền kỷ lục, “gây sốt” cộng đồng mạng không chỉ bởi câu chuyện chân thực, sâu sắc mà còn bởi việc đề cao chất nữ quyền trong thời đại mới.

Trong phim tài liệu sắp ra mắt trên Netflix, câu chuyện của “Chất Michelle” sẽ được viết tiếp. Phần lớn nội dung bộ phim sẽ dựa trên chuyến đi thực tế để quảng bá quyển hồi ký của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama trong hai năm qua.

Trong thời gian quảng bá sách, bà Obama đã đi đến 34 thành phố tại các quốc gia khác nhau. Tại mỗi điểm dừng, ngoài việc giới thiệu Becoming trước hàng ngàn người, bà Obama kết hợp thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến cộng đồng như giáo dục giới tính, sức khoẻ tâm thần… Những hoạt động này đều được ghi hình lại. 

Cựu phu nhân Tổng thống Mỹ cho biết, bà rất vui khi bộ phim tài liệu “Becoming” sẽ được giới thiệu tới khán giả trong mùa dịch bệnh. Bà Obama hy vọng những thước phim sẽ mang đến cho người xem cái nhìn lạc quan, gần gũi và giúp mọi người cảm nhận được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong cuộc sống.

“Khi nhiều người đang sống với nỗi đau buồn, sự cô đơn, sợ hãi, chúng ta cũng cần cởi mở và đặt mình vào vị trí người khác” – bà Michelle Obama chia sẻ.

Netflix ra mắt phim về cuộc đời Michelle Obama và hồi ký “Chất Michelle” - 3

Phim tài liệu “Becoming” do Nadia Hallgren đạo diễn. Cô cho biết khi bắt đầu thực hiện Becoming, điều khó khăn với ê-kíp là lịch trình di chuyển liên tục của bà Obama và các công tác đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, do vậy cô và ê-kíp phải cố bắt kịp thời gian, linh hoạt quay trong các không gian, điều kiện khác nhau.

Bà Michelle Obama hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Nadia Hallgren: “Những ngày này, thật khó để cảm thấy có niềm tin hoặc hy vọng, nhưng tôi mong bạn sẽ tìm thấy niềm vui và một chút nghỉ ngơi trong những thước phim mà Nadia đã làm. Cô ấy là một tài năng hiếm có, một người thông minh và giàu lòng trắc ẩn dành cho người khác trong mọi khung hình được cô ấy chụp lại”.

Trailer phim “Becoming”

Phim sẽ được công chiếu vào Thứ tư ngày 6/5 tới đây trên Netflix.

Theo First News

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/netflix-ra-mat-phim-ve-cuoc-doi-michelle-obama-va-hoi-ky-chat-michelle-20200504152738451.htm)

Tiếp tục đọc

Văn học

Giải quyết tranh chấp không giống như cách “đấm bốc” bằng lời nói

 Trong đối nhân xử thế, lầm lỗi là điều không thể tránh khỏi. Bạn không thể định hướng hành vi của người khác giống như cách bạn kiểm soát những kết quả của mình.

Tuy nhiên bạn có thể làm điều đó bằng cách phát triển sự hòa hợp, đọc vị người khác để có thể giao tiếp theo cách của họ.

Lần nọ, tôi quan sát một người bạn đang cố gắng thuyết phục nhân viên lễ tân khách sạn cho phép cô ấy giữ phòng của mình vài giờ sau thời gian trả phòng. Chồng cô đã bị thương trong một tai nạn trượt tuyết, và cô ấy muốn anh được nghỉ ngơi cho tới khi sắp xếp được phương tiện di chuyển.

Giải quyết tranh chấp không giống như cách “đấm bốc” bằng lời nói - 1

Nhân viên lễ tân liên tục đưa ra những lý do hợp lý giải thích vì sao việc đó là không thể một cách lịch sự và nhất quán. Bạn của tôi lắng nghe một cách tôn trọng và sau đó tiếp tục dẫn ra những nguyên nhân hợp lý hơn.

Tôi quan sát cô ấy vận dụng đầy đủ “chiêu thức” – từ việc thuyết phục lịch sự và nữ tính, đến việc đưa ra những lý do logic và lý trí. Không hề tỏ ra kiêu căng hay dùng áp lực để lấn lướt, cô ấy nhẫn nại theo đuổi kết quả mà mình mong muốn.

Cuối cùng, nhân viên lễ tân cười gượng và nói: “Thưa bà, tôi nghĩ là bà đang thắng”. Cô ấy đã có được điều mình muốn bằng cách nào? Cô ấy đủ linh hoạt để liên tục tạo ra thái độ mới và hành vi mới cho đến khi nhân viên lễ tân không thể phản đối cô ấy được nữa.

Hầu hết chúng ta xem việc giải quyết tranh chấp giống như là “đấm bốc” bằng lời nói. Chúng ta đấu với nhau trong suốt cuộc tranh luận cho đến khi ta giành được điều mà mình muốn. Ở các môn võ thuật như Aikido và Thái cực quyền, mục tiêu không phải là đối phó với vũ lực bằng vũ lực mà là dẫn dắt, chuyển nó đi theo một hướng mới. Đây chính xác là những gì bạn tôi đã làm, và cũng là điều mà những nhà giao tiếp giỏi thực hiện.

Hãy nhớ rằng không có sự đối kháng, chỉ có những người giao tiếp kém linh hoạt, tác động sai thời điểm và sai hướng. Giống như bậc thầy Aikido, thay vì phản đối quan điểm của người khác, người giao tiếp giỏi luôn đủ linh hoạt để cảm nhận sự kháng cự đang được hình thành, tìm kiếm những điểm đồng thuận và sau đó định hướng cuộc đối thoại theo cách mà người ấy muốn.

Có những từ, cụm từ tạo nên sự đối kháng. Những nhà lãnh đạo, những người giao tiếp xuất sắc nhận ra điều này và tập trung kỹ vào những từ, cụm từ mà họ sử dụng. Trong cuốn tự truyện của mình, Benjamin Franklin đã mô tả về chiến lược truyền đạt quan điểm mà vẫn duy trì sự hòa hợp như sau:

“Tôi phát triển thói quen thể hiện bản thân mình một cách khiêm nhường, không bao giờ sử dụng những từ như ‘chắc chắn’, ‘không còn nghi ngờ gì nữa’, hoặc bất cứ từ nào làm hỏng bầu không khí tích cực, mà thay vào đó nói rằng ‘Tôi thì không nghĩ như thế vì những lý do như sau…’, ‘Tôi hình dung nó thế này đây’, hoặc ‘Nếu tôi không nhầm thì…’. Tôi tin rằng thói quen này là một lợi thế lớn của tôi bởi vì tôi có cơ hội nhấn mạnh quan điểm của mình và thuyết phục người khác.”

Giải quyết tranh chấp không giống như cách “đấm bốc” bằng lời nói - 2

Ben Franklin biết cách không tạo nên sự đối kháng đối với những đề xuất ông đưa ra. Ông đã không sử dụng những từ ngữ có thể làm dấy lên những phản hồi tiêu cực – chẳng hạn như từ “nhưng”, nếu sử dụng một cách vô thức và tùy tiện, nó có thể trở nên tiêu cực, thiếu tính xây dựng. Từ “nhưng” sẽ phủ nhận mọi thứ được nói trước đó. Bạn cảm thấy thế nào nếu ai đó bảo với bạn rằng họ đồng ý với bạn, nhưng…?

Hãy nhớ rằng, không có người đối kháng, chỉ có những người giao tiếp kém linh hoạt. Có những từ, cụm từ khơi dậy cảm giác đối kháng, đồng thời cũng có những cách giao tiếp có thể giúp người khác tham gia và cởi mở hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có một công cụ giao tiếp giúp bạn thể hiện rõ bạn cảm thấy thế nào về một vấn đề mà không đánh mất chính mình, cũng như không dẫn đến bất đồng quan điểm? Công cụ mạnh mẽ đó chính là khung đồng thuận, bao gồm ba cụm từ bạn có thể sử dụng trong bất kỳ cuộc giao tiếp nào để thể hiện sự tôn trọng đối với người giao tiếp cùng, duy trì mối quan hệ với họ, chia sẻ điều bạn cảm thấy là đúng, và không bao giờ phản đối quan điểm của họ.

“Tôi đánh giá cao và…” “Tôi tôn trọng và…” “Tôi đồng ý và…”

Trong từng trường hợp, bạn đang làm ba việc: bạn đang xây dựng mối quan hệ bằng việc xâm nhập vào thế giới của người kia, ghi nhận nội dung truyền đạt của anh ta hơn là bỏ qua hoặc hạ thấp nó bằng các từ như “nhưng”, “tuy nhiên”; bạn đang tạo dựng sự đồng thuận kết nối mọi người với nhau; và bạn đang mở cánh cửa định hướng lại một vài điều mà không tạo nên sự đối kháng.

Ví dụ, một vài người nói với bạn về chuyện gì đó: “Bạn hoàn toàn sai lầm”, nếu bạn cũng khẳng định chắc nịch: “Không, tôi không sai”, liệu bạn có thể duy trì mối quan hệ này? Không. Sẽ có mâu thuẫn, sẽ có đối kháng. Thay vào đó, hãy nói: “Tôi tôn trọng cảm xúc của bạn về vấn đề này, và tôi nghĩ nếu bạn lắng nghe quan điểm của tôi, bạn có thể cảm thấy khác đi”. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải đồng ý với nội dung giao tiếp của người kia. Bạn có thể nói lời đánh giá cao, tôn trọng, hoặc đồng ý với cảm nhận của người đó. Bạn có thể đánh giá cao cảm nhận của anh ta bởi nếu bạn có cùng trạng thái sinh lý, cùng một nhận thức, bạn sẽ cảm thấy y như vậy.

Bạn có thể cũng đánh giá cao ý định của ai đó. Ví dụ, nhiều lần hai người có ý kiến đối lập nhau về cùng một vấn đề, không đánh giá cao quan điểm của nhau, do dó không lắng nghe nhau. Khi bạn sử dụng khung đồng thuận, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình lắng nghe có chủ đích hơn về điều người kia đang nói, và kết quả là bạn khám phá được cách thức mới để đánh giá cao người khác.

Bạn sẽ đạt được thành quả bằng thái độ ôn hòa, và sau đó dẫn dắt thay vì gây sức ép một cách thô bạo. Bạn có thể phát triển một nhân sinh quan phong phú hơn, cân bằng hơn bằng việc cởi mở đón nhận quan điểm của người khác. Phần lớn chúng ta xem cuộc thảo luận giống như trò chơi thắng – thua. Chúng ta đúng, còn người kia sai. Tôi thì nhận thấy mình học được nhiều hơn và nhanh chóng đạt được mục tiêu nhờ vào sự đồng thuận.

Các hoạt động gián đoạn hình mẫu cũng rất giá trị trong kinh doanh. Một vị giám đốc điều hành đã vận dụng chúng để khiến công nhân nhà máy của ông thay đổi cách họ nhìn nhận công việc của mình. Ông thông báo rõ ràng rằng ông muốn mỗi một sản phẩm của nhà máy được sản xuất như thể chỉ phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân ông. Ông tuyên bố sẽ có mặt bất cứ lúc nào để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tin tức này lan truyền nhanh như đám cháy rừng, làm gián đoạn nếp làm việc cũ của các công nhân và khiến nhiều người phải kiểm tra lại những sản phẩm họ đang làm. Là một bậc thầy về mối quan hệ, vị giám đốc điều hành có thể làm được điều này mà không khiến những người công nhân phẫn nộ bởi ông đã khơi dậy niềm kiêu hãnh trong họ.

Bạn có thể sử dụng những hoạt động gián đoạn hình mẫu trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như trong việc giải quyết tranh cãi. Chúng ta trở nên nóng giận, muốn chiến thắng nhằm chứng minh luận điểm của mình. Những cuộc tranh cãi như vậy có thể gây tổn hại cho mối quan hệ. Ngay khi tranh cãi qua đi, bạn day dứt nghĩ rằng sao mình lại mất kiểm soát bản thân đến vậy?

Cách duy nhất để giao tiếp tốt là bắt đầu với tinh thần khiêm nhường và sẵn sàng thay đổi. Bạn không thể giao tiếp bằng sự chủ quan duy ý chí; bạn không thể ép buộc người khác phải thấu hiểu quan điểm của riêng bạn. Bạn chỉ có thể giao tiếp với sự linh hoạt.

Chúng ta sẽ xem xét những cách thức khác nhau để thay đổi các định hướng, phá vỡ các khuôn mẫu, thay đổi cách truyền đạt, và rút ra những bài học bổ ích từ sai lầm. Nhà thơ William Blake đã từng viết: “Người không bao giờ thay đổi quan điểm của mình thì cũng giống như vũng nước tù đọng”. Người mà không bao giờ thay đổi các khuôn mẫu giao tiếp sẽ tự đẩy mình vào vùng nguy hiểm.

Anthony Robbins được xem là chuyên gia hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người. Trong suốt hơn 30 năm qua, lòng nhiệt huyết của Anthony Robbins đã giúp rất nhiều người tạo bước đi đột phá và nâng cuộc đời họ lên một tầm cao mới trong những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất: kinh doanh, tài chính, mối quan hệ, gia đình, nghề nghiệp và sức khỏe. Anthony Robbins đã giúp hơn 50 triệu người từ hơn 100 quốc gia chuyển hóa cuộc đời và sự nghiệp của họ thông qua sách vở, băng đĩa, những buổi diễn thuyết và những buổi gặp gỡ tư vấn riêng.

Theo “Đánh thức năng lực vô hạn” – First News

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/giai-quyet-tranh-chap-khong-giong-nhu-cach-dam-boc-bang-loi-noi-20200428101258749.htm)

Tiếp tục đọc

Văn học

Cục Xuất bản vào cuộc làm rõ nghi vấn sách lậu của Huấn “hoa hồng”

 Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết đã gửi văn bản tới các Sở, cơ quan chức năng liên quan phối hợp làm rõ nghi vấn sách lậu dạy kiếm tiền của Huấn “hoa hồng”.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nick name Huấn “hoa hồng” đã livestream giới thiệu, rao bán hai cuốn sách do chính Huấn viết có tiêu đề “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền”.

Theo giới thiệu, cuốn sách có giá 799.000 đồng với nội dung “dạy làm giàu bằng cách kinh doanh, bán hàng qua mạng”. Bìa cuốn sách có in hình của Huấn và đề tên “Nhà xuất bản SG”. Video bán sách thu hút gần 50 nghìn lượt like và hơn 50 nghìn lượt bình luận.

Cũng trong những lần livestream trên facebook, Huấn “hoa hồng” nói rằng toàn bộ tiền bán sách sẽ được dành để làm từ thiện và “khoe” hiện đã có hơn 5 nghìn người đặt mua. Có không ít người trẻ vì tò mò đã “hưởng ứng” mua sách.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả, nội dung cuốn sách có nhiều lỗi chính tả, sử dụng ngôn ngữ mạng, viết tắt, câu cú, cách hành văn không theo quy chuẩn nào.

Bên cạnh đó, sách viết theo kiểu kể về kinh nghiệm bán hàng onine của Huấn, có nhiều nội dung khó tin. Trên một số diễn đàn xã hội, có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt, cho rằng tại sao một cuốn sách yếu về nội dung như thế lại được xuất bản?

Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận, phóng viên Dân trí đã liên lạc với ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ.

Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết đơn vị đã nắm được thông về trường hợp của Huấn “hoa hồng”. Sáng nay, ngày 28/4, Cục đã gửi văn bản tới các Sở Thông tin và Truyền thông, cũng như các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp làm rõ nghi vấn về việc sao in, phát tán qua mạng với 2 sản phẩm của Huấn “hoa hồng”. Nếu có sai phạm, thì sẽ xử lý nghiêm.

“Cục đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM để phối hợp, tìm hiểu và làm rõ. Sau đó, nếu có sai phạm: sản phẩm xuất bản trái phép (không thực hiện xuất bản, không qua nhà xuất bản hoặc cơ quan có thẩm quyền, không có quyết định xuất bản theo quy định) thì sẽ có hình thức xử lý.

Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có cơ quan về quản lý mạng xã hội để nếu như biểu hiện của Huấn là biểu hiện vi phạm pháp luật, lệch chuẩn về mặt văn hóa thì cần có các biện pháp để xử lý”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Trước đó, theo quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Nguyên cũng cho rằng 2 cuốn sách của Huấn “hoa hồng” có thể không phải xuất bản phẩm: “Nhìn những thông tin ban đầu về cuốn sách tôi cho rằng có thể đây là sách lậu, vì hiện nay không có Nhà xuất bản nào có tên là Nhà xuất bản SG. Ngày trước có Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn nhưng hiện nay cơ quan này đã sát nhập với NXB văn hóa văn nghệ thành Nhà xuất bản văn hóa văn nghệ TP.HCM”.

Huấn “hoa hồng” tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984, tại Yên Bái. Bùi Xuân Huấn từng bị bắt, có xét nghiệm dương tính với ma túy và phải đi cai nghiện bắt buộc.

Năm 2015, Huấn “hoa hồng” nổi lên như một hiện tượng mạng sau khi đăng những video ăn chơi hàng ngày, những clip hài hước tự thực hiện và bán hàng online, livestream trên facebook.

Nguyễn Hằng

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/cuc-xuat-ban-vao-cuoc-lam-ro-nghi-van-sach-lau-cua-huan-hoa-hong-20200428092850023.htm)

Tiếp tục đọc

Văn học

Thêm nhiều máy “ATM gạo” – Hạt Giống Tâm Hồn

 Công ty First News – Trí Việt và nhóm cựu sinh viên Học Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT đã góp sức và trao tặng nhiều máy ATM gạo cho đồng bào khó khăn ở các tỉnh miền Tây, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Hàng loạt máy “ATM gạo” đã được lắp đặt nhiều nơi trên cả nước để hỗ trợ người dân nghèo. Chung tay với cả nước, công ty First News – Trí Việt và nhóm cựu sinh viên Học Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT cũng góp sức và trao tặng nhiều máy ATM gạo cho đồng bào khó khăn.

Thêm nhiều máy “ATM gạo” - Hạt Giống Tâm Hồn - 1

Chiều ngày 24/4, máy ATM gạo – Hạt Giống Tâm Hồn đầu tiên do công ty văn hóa sáng tạo First News – Trí Việt và nhóm Cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Châu Á AIT góp sức, vừa hoàn thiện việc kiểm tra và đưa vào hoạt động tại quảng trường khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi có nhiều bà con lao động, công nhân các nhà máy xí nghiệp và nhiều mảnh đời đang gặp khó khăn.

Máy ATM gạo chạy bằng mô-tơ điện giảm tốc với lượng điện tiêu thụ nhỏ nhất 90W (có thể hoạt động với máy phát điện nhỏ ở những nơi không có điện). Máy được thiết kế toàn bộ bằng Inox 304 chống mưa nắng, có thể hoạt động bền lâu nhiều năm, vận hành độc lập trên mọi địa hình, do Kỹ sư cơ khí Nguyễn Vũ Minh thiết kế. Máy ATM phát gạo này hoạt động bằng cách đạp bằng chân, cao 2,2 mét, rộng 1,2 mét, nặng 100kg, chứa được nửa tấn gạo, có bánh xe để di chuyển.

Thêm nhiều máy “ATM gạo” - Hạt Giống Tâm Hồn - 2
Thêm nhiều máy “ATM gạo” - Hạt Giống Tâm Hồn - 3

Được biết, đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Hạt Giống Tâm Hồn – Chia sẻ Yêu thương – Lan toả Cộng đồng” trong đại dịch mà First News – Trí Việt là đơn vị phát động thực hiện ngay từ khi virus Covid-19 bắt đầu thâm nhập ở Việt Nam. Dự định, nhóm sẽ làm 10 máy phát gạo để tặng các nơi khó khăn và đồng bào các tỉnh miền Tây đang bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kéo dài.

Dự kiến, cây “ATM gạo” này sẽ hoạt động theo hình thức không phân biệt người nhận có cư ngụ trên địa bàn hay không, bất kỳ người khó khăn nào có nhu cầu đều có thể tự đến “ATM gạo” và nhận mỗi người 2-3 kg/ngày.

Thêm nhiều máy “ATM gạo” - Hạt Giống Tâm Hồn - 4

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo First News cho biết: “Chung tay cùng cả nước hỗ trợ người nghèo do ảnh hưởng dịch Covid-19 và hạn hán kéo dài, First News và nhóm cựu sinh viên Học viện kỹ thuật Châu Á AIT đã cùng nhau thảo luận, đưa ra phương án thiết kế cho những máy ATM gạo này. Chúng tôi tin rằng việc đưa các máy “ATM gạo” đến những nơi đồng bào cần giúp đỡ trong thời điểm này là hành động giúp bà con ấm lòng lúc khó khăn. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục vận động thêm nhiều “mạnh thường quân” giúp bà con vào lúc khó khăn này và đã có thêm một doanh nhân thông báo sẽ đóng góp nhiều “ATM gạo” khác cho Hà Nội và các tỉnh Phía Bắc”.

Theo First News

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/them-nhieu-may-atm-gao-hat-giong-tam-hon-20200426123823184.htm)

Tiếp tục đọc

Văn học

Hồi sinh đang tới!

 Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã gửi đến toà soạn bài thơ “Hồi sinh đang tới”.

Hồi sinh đang tới! - 1
Tranh cổ động tấm lớn được đặt ở trên đường phố Hà Nội. (Ảnh minh hoạ- TTXVN)

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân!
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài thơ “Hồi sinh đang tới”:

Những ngày ngoài này, người cách ly tăng vọt

Muốn bay vô trong đó yên bình

Nhưng kẻ thù vô hình ở muôn nơi rình rập

Đành ghìm lòng chờ trông!

Nhớ Lục Bình cứ dập dềnh trôi

Hoa tím chiều, con thuyền xuôi cửa biển

Lúa đồng mướt xanh, đàn chim chao liệng

Nay dịch bệnh, mặn xâm, thuyền chưng hửng bên sông!

Đèn vẫn lung linh trên đường phố, công viên

Từ ô cửa cách ly, nỗi cô đơn ập đến

Nhưng cây ơi, hãy cùng tin không bao lâu nữa

Mầm sống sẽ vươn mình, đơm hoa trái sum suê!

Trí tuệ và sức vóc con người phi thường vượt xa điều ta tưởng tượng

Đất nước chung tay đẩy lui cái vô hình ác hiểm

Hàng trăm người nhiễm dịch đã hồi sinh

Bình yên sẽ về khắp khóm, ấp, xóm, thôn!

Ta tạm xa, rồi sẽ thật gần

Những đoàn tàu, xe lại ngược xuôi Nam Bắc

Nhà máy em sẽ sớm, chiều tấp nập

Lô hàng nối nhau ra cảng vượt đại dương…

Bạn bè đông vui trong lễ thành hôn

Cô dâu lệ rơi đến tặng hoa thầy thuốc

Bản nhạc tăng-gô trong ngày chống dịch

Lại âm vang cùng nhịp sống trào tuôn!…

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

Nguồn: Dantri.com.vn (https://dantri.com.vn/van-hoa/hoi-sinh-dang-toi-20200420100956356.htm)

Tiếp tục đọc

Xu hướng