Connect with us

Kỹ năng

5 kỹ năng cơ bản người mới bắt đầu viết nên chú ý

Việc gì mới bắt đầu cũng gặp phải vô vàn khó khăn, viết lách cũng vậy. Nhưng bạn đừng lo, chỉ cần ghi nhớ và rèn luyện 5 kỹ năng cơ bản dưới đây, viết lách và sáng tác rất nhanh sẽ trở thành việc trong tầm tay bạn mà thôi!

Viết hay phải bắt đầu từ việc hay viết và dành thời gian để học hỏi, trau dồi kỹ năng. Dưới đây là những kỹ năng viết cơ bản mà người lần mới tập viết nên biết.

Bạn sẽ viết về cái gì và viết cho ai là những gì cần phải xác định ngay từ đầu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Hãy viết đúng chính tả và đặt dấu câu đúng chỗ của nó

Một văn bản sẽ gây khó chịu cho người đọc nếu liên tục dùng ngôn ngữ teen code, tiếng lóng, viết sai chính tả hoặc ngắt, chấm câu không đúng. Vì vậy, để biến những ý tưởng trong đầu của mình thành một văn bản đầy sức thu hút, bạn hãy cố gắng củng cố chính tả và quy tắc dùng dấu câu của mình nhé!

Nguvan.vn mách nhỏ cho bạn những quy tắc này cho bạn đỡ lúng túng nè!

– Dấu câu (dấu chấm, dấu phẩy, dấu ba chấm, dấu chấm than, chấm hỏi, chấm phẩy) phải luôn được viết liền với kí tự đặt trước nó và cách ra một khoảng trắng với kí tự đặt sau nó.

Ví dụ: Tôi nghèo nhưng tình yêu nào có tội, có chăng là tội ở con tim.

– Dấu ngoặc đơn, ngoặc kép: Những kí tự nằm bên ngoài ngoặc mở và ngoặc đóng phải cách ra một khoảng trắng. Các kí tự bên trong, kí tự viết sau (đối với ngoặc mở) và kí tự viết trước (đối với ngoặc đóng) phải sát liền với dấu ngoặc.

Ví dụ: Tôi (và anh) đi trên con đường dài đầy nắng.

Chứ không được viết là:

Tôi ( và anh ) đi trên con đường dài đầy nắng. Hoặc: Tôi( và anh)đi trên con đường dài đầy nắng.

– Dấu gạch nối (nếu dùng trong giải thích) thì cách ra mỗi vế một khoảng trắng.

Ví dụ: Bà Cẩm – vợ của ông Tú, nói:…

2. Trình bày đoạn văn ngắn và viết rõ nghĩa

Đừng nghĩ viết được một đoạn văn dài thì mới chất. Thật ra, viết những câu ngắn và những đoạn văn ngắn không chỉ tăng thêm tính logic mà còn giúp văn bản dễ nhìn và dễ đọc hơn.

Có rất nhiều kiểu diễn đạt, diễn dịch, quy nạp hay móc xích đều được, chỉ cần là bạn viết câu văn rõ nghĩa và khi đặt chúng bên cạnh nhau, chúng sẽ tạo thành một đoạn văn ngắn diễn tả trọn vẹn ý nghĩa mà mình muốn chuyển tải là được.

3. Độ dài của tác phẩm phải phù hợp

Đối với người mới bắt đầu viết thì không nên giữ suy nghĩ “mình viết hay thì người ta sẽ đọc” rồi tùy hứng muốn viết sao cũng được, thậm chí một chương truyện thôi đã viết đến 10.000 chữ.

Thật ra khi nhìn thấy một bài viết dài đằng đẵng, cảm giác thích thú của người ta sẽ giảm đi đáng kể, hoặc họ sẽ bỏ qua vì “khi nào có thời gian hơn mới đọc nổi mớ này”.

Thông thường khi bắt tay vào viết lách, người mới viết sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là không biết viết gì, không có ngôn từ hay ý tưởng để viết. Giai đoạn 2 sau khi qua giai đoạn 1 là viết lan man, dài dòng quá, có nhiều thứ muốn viết quá. Qua 2 giai đoạn này sẽ đến được giai đoạn 3 là viết vừa đủ. Bài học kinh điển trong viết lách là nguyên lý chiếc váy. Tức nó vừa đủ dài để tế nhị và cũng vừa đủ ngắn để gợi cảm. Vì thế không nên viết ngắn quá dưới 500 từ, cũng không nên viết dài lê thê trên 4.000 từ đối với một chương nếu bạn đang viết dạng chương hay chia phần. Còn đối với một bài viết chia sẻ thông thường, 800 – 1.200 từ là đẹp.

4. Xác định mục tiêu bài viết ngay từ đầu và đừng đi chệch hướng

Bạn sẽ viết về cái gì và viết cho ai? Tùy vào đối tượng bạn hướng đến mà bạn phải xây dựng phong cách cho phù hợp. Chẳng hạn nếu bạn viết để tâm sự thì có thể viết hơi dài dòng một chút nhưng nếu đó là viết email công việc hay viết lời phát biểu dành cho những người điều hành thì văn phong phải súc tích, ngắn gọn và trau chuốt kỹ lưỡng.

Dù bất kỳ nội dung và đề tài gì thì việc đầu tiên bạn cần xác định là bài bạn viết dành chính là những đối tượng nào. Như vậy thì bài viết bạn sẽ có hướng tiếp cận cụ thể hơn, tình tiết nội dung dễ triển khai hơn rất nhiều. Và quan trọng nhất, khi đã xác định thì bạn đừng đi chệch hướng kẻo lại gây phản cảm và không phù hợp với mục đích ban đầu.

5. Tạo thói quen đọc và kiểm tra văn bản đã viết lại nhiều lần

Thói quen này rất cần thiết và quan trọng nhưng ít ai làm được. Việc này nhằm giúp bạn kiểm tra lại cái mình vừa viết. Chỉn chu câu chữ một cách gọn gàng hơn, sửa lại lỗi chính tả hoặc lỗi gõ nhầm chữ khi đánh máy quá nhanh, lược bỏ những chỗ dư, bổ sung chỗ thiếu… Tốt nhất, bạn hãy đọc và điều chỉnh lại ít nhất 2 lần trước khi gửi tác phẩm đi.

Có những bài viết, người viết có ý tưởng và đã từng viết từ những năm 2010, nhưng lúc đó họ thiếu trải nghiệm, bây giờ khi họ viết lại, chỉnh sửa lại câu cú, thêm cả những trải nghiệm mới, góc nhìn toàn diện hơn, chiều sâu hơn. Và dĩ nhiên lúc này họ không tránh khỏi cảm giác, sao hồi đấy họ viết dở như thế?

Tuy nhiên nếu bản thân bạn thấy mình trong quá khứ viết không tốt thì có nghĩa bạn trong hiện tại đang viết tốt hơn rồi, đó là tín hiệu mừng cho việc viết lách của bạn.

Nói tóm lại, đối với những người mới bắt đầu viết thì việc dành thời gian để viết và luyện tập 5 kỹ năng trên là chìa khóa đầu tiên giúp bạn “mở ra con đường” trong sự nghiệp viết lách. Dù có viết không hay nhưng hãy viết đúng, viết có tư duy và trách nhiệm với những gì mình đã viết bạn nhé!

Chúc bạn thành công!

Đọc tiếp
Click để bình luạn

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kỹ năng

15 câu quote truyền cảm hứng viết lách tạo động lực cho bạn trong năm mới

Đầu năm 2019, hãy “bỏ túi” những câu nói truyền cảm hứng viết lách dưới đây để viết tích cực hơn mỗi ngày bạn nhé!

Không có lời khuyên nào hữu dụng bằng chính lời khuyên từ những người đang cầm bút và kiếm tiền hay thành danh từ nghề viết. Hãy đọc những câu quote truyền cảm hứng viết lách dưới đây để cố gắng viết và hoàn thiện kỹ năng viết mỗi ngày bạn nhé! Bạn chỉ có thể chạm đến thành công khi hành động, hãy nhanh tay lên thôi, thời gian không đợi một ai và chúng tôi sẽ đồng hành và chắp cánh cho bạn.

1. “Văn chương không phải là môn trượt tuyết hay trượt băng nghê thuật. Mẹ của bạn sẽ không biến bạn thành nhà văn. Lời khuyên của tôi cho bất kỳ người trẻ nào muốn trở thành nhà văn là: hãy rời khỏi nhà”. – Nhà văn và tiểu thuyết gia du lịch nổi tiếng người Mỹ Paul Theroux.

2. “Tôi muốn dành lời khuyên cho những ai đam mê sự nghiệp văn chương rằng trước khi phát triển tài năng của họ thì họ phải thật khôn ngoan phát triển tài năng một cách “ẩn dật” trước đã”. – Nữ nhà văn xuất sắc người Mỹ, mẹ đẻ của siêu phẩm “Giết con chim nhại” Harper Lee.

3. “Nếu viết trở nên khó khăn, đó là bởi nó khó. Viết là một trong những việc khó khăn nhất mà con người có thể làm”. – Nhà văn, biên tập viên, nhà phê bình văn học Mỹ William Zinsser.

4. “Đối với tôi, điều tuyệt vời nhất không phải là viết về cái gì mà là thưởng thức thứ âm nhạc được tạo ra từ chữ”. – Nhà văn Mỹ chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và văn học phi hư cấu Truman Capote.

5. “Viết ngay cả khi bạn không muốn, không giống như lúc bạn viết hằng ngày và thậm chí viết một bản nháp tồi cũng không phải là điều tệ hại nhất”. – Agatha Christie – nữ nhà văn trinh thám nổi tiếng của Anh.

6. “Ngày mai có thể là ngày tận thế nhưng hôm nay là một ngày đẹp trời để viết và trong một ngày như thế thì không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra cả”. – Nhà văn Neil Gaiman.

Neil Gaiman là một tác giả đa tài, được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock” của văn học thiếu nhi thế giới. Độc giả Việt Nam biết đến Neil Gaiman chủ yếu qua hai tác phẩm lớn là Coraline và Câu chuyện nghĩa địa, tuy nhiên ông còn có một danh sách dài những tuyệt tác khác. Những trích dẫn hay trong truyện của Neil Gaiman đã trở thành “chân lý sống” của đông đảo công chúng yêu văn học và viết lách. Nguồn ảnh: internet.

7. “Viết văn là một hành trình khám phá mà bạn đi từ con số không và học được mọi thứ trên quãng đường mà bạn đã đi được”. – E. L. Doctorow – nhà tiểu thuyết lịch sử xuất sắc của Mỹ.

8. “Bạn phải say sưa viết thì thực tế mới không huỷ hoại được bạn”. – Ray Bradbury – nhà văn chuyên về sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng, và bí ẩn người Mỹ.

9. “Trực giác của bạn biết nên viết điều gì, vậy nên hãy cầm bút lên.” – Ray Bradbury.

10. “Lời khuyên tốt nhất về nghề viết mà tôi từng được nhận là hãy viết một cách nghiêm túc bởi vì để làm nó thật tốt thì rất tốn thời gian.” – Tiểu thuyết gia người Mỹ David Suterson.

11. “Không đau đớn nào lớn hơn việc mang trong mình một câu chuyện chưa kể”. – Nữ nhà thơ, tác giả viết hồi ký, diễn viên người Mỹ Maya Angelou.

12. “Điều giá trị nhất của tất cả các cây viết tài năng là không bao giờ sử dụng hai từ khi chỉ cần một từ đã có thể diễn tả được ý muốn truyền tải”. – Vị tổng thống thứ ba của Mỹ Thomas Jefferson.

“Trực giác của bạn biết nên viết điều gì, vậy nên hãy cầm bút lên.” – Ray Bradbury. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

13. “Điều quan trọng không phải là chúng ta viết gì mà là chúng ta viết thế nào, và theo tôi, nhà văn hiện đại trước hết phải là một người phiêu lưu, sẵn sàng đón nhận những thử thách và sẵn sàng tạo ra những điều mới mẻ nếu cần thiết. Nói một cách khác, họ phải viết điên cuồng”. – Nhà văn và nhà thơ xứ Ireland James Joyce.

14. “Tôi có thể thoát khỏi mọi thứ khi viết: nỗi muộn phiền biến mất và lòng dũng cảm tái sinh”. – Nữ nhà văn và tác giả hồi ký người Đức gốc Do Thái Anne Frank.

15. “Chúng ta đều là những người thợ học việc trong nghề viết – nơi mà không ai trở thành bậc thầy”. – Tiểu thuyết gia nhà báo nổi tiếng người Mỹ Ernest Hemingway.

Chúc bạn luôn dạt dào cảm hứng để viết chăm chỉ mỗi ngày trong năm 2019!

 

Tiếp tục đọc

Kỹ năng

6 mẹo hay giúp “ngọn lửa” viết lách luôn bùng cháy trong bạn?

Cuộc sống bộn bề lo toan rất dễ làm mai một các tài năng viết lách. Vậy làm thế nào để “giữ mãi ngọn lửa đam mê”? Mọi việc sẽ không còn quá khó khăn nếu bạn thực hiện theo một số mẹo nhỏ mà ban biên tập gợi ý dưới đây!

Mẹo 1: Tạo thói quen viết

Nào, dừng lướt new feed, dừng dò kênh truyền hình, dừng lượn lờ các bảng xếp hạng âm nhạc trong 15-20 phút ngay! Cầm bút, smartphone, chuột, bàn phím vân vân và mây mây viết lại ngay chính cảm xúc của bạn lúc này là được thôi!

Mỗi ngày chỉ cần dành trọn 15-20 phút để viết, dù chỉ 100 từ thôi và biến nó thành thói quen không bỏ được, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về kết quả mà mình nhận được đó!

Mẹo 2: Tạo phản xạ trong môi trường viết

Mỗi ngày hãy dành thời gian để viết, dù chỉ 100 từ thôi cũng được. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hãy chọn một khung giờ lý tưởng trong ngày, chọn một không gian có thể khơi gợi cảm hứng, để rồi dành trọn tâm tư tình cảm để viết. Việc này cũng giống như tạo thói quen viết thường xuyên vậy. Nếu bạn viết tốt vào buổi sáng thì hãy viết vào buổi sáng, nếu bạn viết tốt khi đang nhâm nhi một tách cà phê trên tầng thượng, thì hãy cứ làm như thế! Cho đến khi nào bước vào không gian và địa điểm tương tự, bạn có ngay phản xạ “viết” thì việc viết lách của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Mẹo 3: Chủ đề viết không cần quá to tát

“Viết gì đây?”

Tin chắc đây cũng là câu hỏi mà hầu hết ai cũng sẽ gặp phải trong mỗi lần quyết tâm viết lại một cái gì đó. Nếu còn quá mơ hồ trong việc chọn chủ đề viết, thì hãy bắt tay từ những điều nhỏ nhất xung quanh bạn.

Viết về quyển sách vừa đọc, bình phẩm một trích đoạn có ý nghĩa, viết lại cảm xúc sau khi xem xong một tập phim, cảm thán về một bài hát. Thậm chí, có thể viết lại chuyến du lịch gần đây nhất, review về một món ăn ngon, hoặc viết lại một vài suy nghĩ hay ho chợt lóe lên trong trí óc bạn.

Các bạn đã thấy đơn giản hơn chưa? Nếu chưa, hãy xem tiếp mẹo thứ 4 nhé!

Mẹo 4: Viết nhật ký mỗi đêm

Chọn một quyển sổ tay nhỏ xinh để tạo cảm hứng viết rồi viết lại tất cả những sự việc diễn ra trong một ngày thú vị của mình. Tin tôi đi, đến một ngày, bạn sẽ ngỡ ngàng phát hiện ra, vốn từ cũng như cách hành văn của bản thân đang dần được cải thiện rõ rệt. Và đây cũng chính là một trong những cách thúc đẩy bạn viết nhiều hơn nữa đấy!

Mẹo 5: Nghiêm túc và tập trung

Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất. Nghiêm túc với những gì bạn đã bắt đầu và hoàn thành trọn vẹn nó.

Tạm đừng quan tâm đến việc làm thế nào mới có thể làm hài lòng người đọc. Đầu tiên, cứ viết để thỏa mãn chính bạn đã, hoàn thành tròn trịa một bài viết. Cố gắng thực hiện một vài mẹo trên đây để giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết trong ngòi bút của bạn nhé!

Chúc bạn luôn viết hăng say và khám phá ra kho chủ đề bất tận để viết mỗi ngày!

Trân trọng,

Tiếp tục đọc

Kỹ năng

Làm thế nào để thêm yếu tố hài hước vào câu chuyện của bạn?

Người ta thường bảo viết bi không khó, viết truyện hài mới khó. Hơn nữa, thả yếu tố hài hước vào tác phẩm sao cho gây cười một cách tự nhiên cũng cần nghệ thuật. Đừng lo, iREAD sẽ mách nước tuyệt chiêu cho bạn.

Viết truyện hài không dễ. Và càng không dễ hơn nữa khi bạn hiểu sai về hài hước. Một câu chuyện hài hước có thể hay gấp đôi một câu chuyện nghiêm túc. Nhưng một câu chuyện nghiêm túc ngược lại sẽ hay gấp mười một tác phẩm hài hước rẻ tiền.

Nếu bạn không biết làm cách nào để viết hài hoặc cảm thấy mình chưa đủ khả năng để truyện hài viết hài, đừng cố gắng quá nhé bởi càng gượng ép, tình tiết trong tác phẩm của bạn sẽ càng thiếu tự nhiên.

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, không có kỹ năng nào là chúng ta không học hỏi được nếu chịu khó rèn luyện. Và nếu thật sự bạn muốn lồng ghép thêm yếu tố hài hước vào tác phẩm của mình, 6 mẹo nhỏ dưới đây sẽ làm câu chuyện bạn kể thêm phần thú vị đấy. Khám phá ngay nhé!

Hãy để độc giả mỉm cười thật tự nhiên chứ đừng quá gượng ép bạn nhé! Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Đừng bao giờ gán những câu nói đùa vào miệng nhân vật

Khi muốn làm gia tăng yếu tố hài hước, điều đại kỵ nhất là gán những câu nói đùa vào miệng các nhân vật. Cùng một câu nói, nếu xuất phát từ miệng một nhân vật trong phim hài hoặc một nghệ sĩ hài trên sân khấu có thể làm khán giả bật cười, nhưng cũng chính câu nói đó nếu xuất phát từ miệng một nhân vật trong truyện lại khiến người đọc khó chịu. Tại sao như vậy? Vì đơn giản là nó không có thật.

Người đọc sẽ có cảm giác nhân vật giống như đang cố ý diễn hài cho mình xem chứ không phải sống trong câu chuyện. Những lời bông đùa trong trường hợp này thường phản tác dụng.

Một lý do nữa là trong phim hài hoặc tiểu phẩm hài, cái gây cười không chỉ là câu nói mà còn kết hợp nhiều yếu tố khác như điệu bộ, tình huống, bối cảnh xuất hiện ngay lúc đó. Nhưng trong tiểu thuyết, chúng ta không thể cho tất cả những thứ đó xuất hiện cùng một lúc như trên màn ảnh được. Vì vậy, hãy thật sự cân nhắc khi dùng biện pháp này bạn nhé!

2. Dùng nghệ thuật miêu tả để làm toát ra ý cười

Thay vì đau đầu sắp xếp bối cảnh gây cười, bạn hãy thử dùng nghệ thuật miêu tả, ví dụ như tạo hình dáng cho nhân vật, bối cảnh, vật dụng… để tạo ra sự hài hước và làm người đọc bật cười. Việc này thường cho tác dụng tốt khi nó đơn giản, dễ mường tượng, bất ngờ và không cố ý thực hiện chỉ để chọc cười.

3. Hãy tạo ra những tình tiết quái đản và giải thích nó

Đỉnh cao của sự hài hước khi viết tiểu thuyết chính là bạn có thể tạo ra một ý tưởng mới lạ, thậm chí quái đản, vô lý, khó tin nhưng lại có thể trình bày, giải thích ý tưởng đó một cách logic và nghiêm túc nhất có thể. Chính vì là ở cấp độ cao nhất, sự nghiêm túc của câu chuyện có khi mới là yếu tố tạo nên sự hài hước.

4. Hãy tạo ra một tình huống có thể gây hiểu nhầm

Cố gắng tạo ra một tình huống có thể hiểu nhầm cũng là một cách tạo ra những tiếng cười ý vị. Ví dụ bạn hãy để nhân vật A nói ra một câu nói với ý số 1, nhưng nhân vật B nghe xong lại hiểu nhầm sang ý số 2. Mỗi nhân vật sẽ hiểu cuộc giao tiếp của họ theo một chiều hướng khác nhau. Nếu khai thác tốt điểm này sẽ tạo nên những tình huống cực kỳ hài hước.

5. Hãy mạnh dạn cắt bỏ những chỗ hài hước không cần thiết

Hãy nhớ rằng nếu sự hài hước làm loãng mạch truyện hoặc tạo ra sự xao nhãng không cần thiết, hãy mạnh dạn cắt bỏ nó. Bởi vì cái được không bù cái mất. Tác phẩm của bạn sẽ bị đánh giá thấp nếu chứa quá nhiều tình tiết gây cười nhảm nhí mà lạc đề hoặc quá dông dài, không làm bật được sự thú vị của cốt truyện.

6. Hãy để hài hước làm “chất phụ gia” thôi nhé!

Dù bạn thật sự muốn thêm yếu tố hài hước vào để làm câu chuyện thú vị hơn nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng, diễn biến của câu chuyện mới là yếu tố chính, hài hước chỉ là phụ.

Nếu bạn làm chậm mạch truyện lại chỉ để các nhân vật có cơ hội lải nhải với nhau vài câu nói đùa thì bạn đã thất bại thảm hại.

Cốt truyện, tình tiết, diễn biến xuyên suốt câu chuyện là món thịt bò còn sự hài hước chỉ là nước sốt. Nước sốt làm cho thịt bò ngon hơn với điều kiện bạn để cho thực khách ăn thịt bò. Nếu bạn lấy thịt bò ra khỏi miệng thực khách và bắt họ chỉ nhâm nhi nước sốt mà thôi, sẽ chẳng ai còn hứng thú ngồi ở bàn ăn nữa.

Vì vậy, bạn đừng cố gắng biến một tình tiết không buồn cười trở nên buồn cười, mà hãy nghiêm túc hóa một tình huống thật sự buồn cười vì nó sẽ giúp sự hài hước trong câu chuyện của bạn gia tăng gấp bội.

Chúc bạn thành công!

Tiếp tục đọc

Kỹ năng

10 kỹ thuật cơ bản giúp xây dựng cốt truyện hay

Để có được một cốt truyện tiểu thuyết hay, bạn không cần phải quá đầu tư cho ý tưởng hay các tình huống ảo diệu, chỉ cần đảm bảo ít nhất 2-3 kỹ thuật dưới đây thôi là câu chuyện bạn kể đã rất có hồn rồi. Thử xem nhé!

Xây dựng cốt truyện là một trong những kỹ năng cơ bản mà một tác giả viết tiểu thuyết phải nắm vững nếu muốn viết ra được một tác phẩm hay. Ngoại trừ có năng khiếu bẩm sinh, nếu không thì kỹ năng này của bạn sẽ dần hoàn thiện nếu tuân thủ 10 kỹ thuật đơn giản và dễ áp dụng sau đây!

3 quy tắc vàng khi xây dựng cốt truyện tiểu thuyết

– Cốt truyện phải đảm bảo nguyên tắc logic

Xây dựng cốt truyện có thể không cần quá mới mẻ nhưng bạn phải tuân thủ logic của tất cả các tình tiết, kết cấu trong truyện. Đừng bao giờ vi phạm nguyên tắc này. Bởi diễn biến trước sau nếu không hợp lý thì câu chuyện bạn kể sẽ không được đánh giá cao.

Muốn đảm bảo tính logic này cũng không quá khó, trước khi xây dựng cốt truyện, bên cạnh lập dàn bài, bạn hãy vẽ sơ đồ liên đới cho tất cả các tình tiết/ tình huống diễn ra trong truyện để bạn không bị quên mà mắc lỗi cơ bản này.

Chẳng hạn: Một nhân vật B nào đó bạn đã cho họ chết ở chương 2 nhưng đến chương 20 không hiểu vì nguyên cớ gì bạn ấy lại đội mồ sống dậy dù không ai hồi sinh hay phép màu không xảy ra khiến người đọc một phen hoảng vía…

– Sáng tạo nhưng không được rời xa tính hiện thực

Tùy vào thể loại, tính hiện thực – hay còn gọi là mức độ quen thuộc, gần gũi với đời sống con người ở đây nên được định nghĩa khác nhau.

Nếu bạn dự định viết thể loại tiểu thuyết giải trí thì tính quen thuộc càng thấp (tức là tính lạ lẫm càng cao càng tốt). Bởi vì người đọc chán những thứ quen thuộc trong cuộc sống thực và muốn tìm đến những thứ lạ lẫm, thú vị trong tiểu thuyết giải trí. Còn ngược lại, nếu bạn muốn viết tiểu thuyết văn học, bạn đừng nên quá xa rời tính quen thuộc này bởi nó làm người ta hụt hẫng và không thẩm thấu được cái hồn, cái gắn bó của tác phẩm.

Độc giả cũng như vậy, những ai thích tính quen thuộc thì họ sẽ đọc tiểu thuyết văn học, những độc giả nào thích tính lạ lẫm thì họ sẽ đọc tiểu thuyết giải trí.

Tuy nhiên, đa phần độc giả hiện nay đều có xu hướng thích tiểu thuyết giải trí hơn tiểu thuyết văn học. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ rồi mới tìm hướng xây dựng cốt truyện phù hợp.

– Luôn tạo cảm giác thực cho người đọc

Nếu bạn kể nhân vật A đi vào một ngôi nhà thì người đọc sẽ không có cảm giác thực. Nhưng nếu bạn miêu tả tỉ mỉ một vài đồ vật trong ngôi nhà đó, rồi cho nhân vật A tương tác (sờ, nắm, ngửi thấy mùi đồ vật) với các vật dụng đó, rồi một vật dụng nào đó khiến nhân vật A hồi ức lại một kỷ niệm nào đó, như vậy độc giả sẽ cảm giác câu chuyện chân thật hơn, như bản thân độc giả đang là nhân vật A trong ngôi nhà và trải nghiệm tất cả những thứ đó. Đó gọi là tính cảm giác thực. Trong cốt truyện tiểu thuyết nếu bạn xây dựng được tính cảm giác thực càng cao thì tác phẩm càng dễ gây tính tò mò và thú vị, lượng người xem cũng cao và chất lượng tác phẩm vì vậy cũng sẽ được đánh giá tốt.

Nhìn chung, nếu tác phẩm tiểu thuyết của bạn đáp ứng được tính logic và tính cảm giác thực càng cao thì càng tốt. Bởi như vậy thì chắc chắn tác phẩm sẽ trở nên thu hút độc giả ngay từ những chương đầu. Thêm vào đó, nếu bạn định viết tiểu thuyết giải trí, hãy luôn ghi nhớ quy tắc – tính quen thuộc càng thấp thì càng tuyệt vời hơn cho cốt truyện bạn xây dựng.

7 điểm nhấn cần chú ý để xây dựng cốt truyện thêm hay

Bên cạnh tính logic, sáng tạo và tạo cảm giác thực cho người đọc, người cầm bút cần chú ý đảm bảo các yêu cầu dưới đây nếu muốn tạo cao trào và điểm nhấn cho câu chuyện bạn kể.

– Điều phối tỷ lệ kể và tả hợp lý

Hãy biết điều chỉnh, phân phối giữa hình thức kể và tả với một tỷ lệ thích hợp với nội dung cốt truyện và thể loại truyện. Kể quá nhiều sẽ khiến truyện trở nên sơ sài như một bản tóm tắt nội dung. Tả nhiều quá lại khiến truyện lan man, nhàm chán.

– Đừng quên cắt bỏ những tình tiết không cần thiết

Viết xong bạn nhớ đọc lại và cắt lọc bớt những tình tiết mà độc giả dễ dàng đoán ra. Vì nếu bạn quá dài dòng, cách hành văn sẽ trở nên vô cùng nhạt nhẽo, lủng củng. Thậm chí trong những tình huống diễn biến nhanh, bạn hoàn toàn có thể cắt bỏ luôn những tình tiết thừa để tăng nhịp điệu cho câu truyện.

– Linh hoạt chuyển cảnh ngay tại thời điểm gay cấn nhất

Khi một tình tiết được đẩy lên đến cao trào, độc giả đang mong chờ tình tiết được giải quyết thì bạn hãy đột ngột chuyển cảnh khiến độc giả mang tâm lý thấp thỏm lo lắng hoặc tò mò không biết tình huống đó sẽ xảy ra theo hướng nào. Sau khi chuyển cảnh một lúc, bạn hãy quay lại với tình tiết đang dang dở đó và cho độc giả một kết cục bất ngờ.

– Luôn một điều hiển nhiên nhưng không phải vậy

Tạo ra những tình tiết hiển nhiên khiến độc giả phải suy nghĩ theo một hướng nào đó, nhưng sự thực thì câu chuyện lại đi theo một hướng khác hoàn toàn, đến lúc mở thắt nút sẽ khiến độc giả bất ngờ. Sự thực ngược lại hoàn toàn với những gì độc giả tin tưởng hoặc nhận biết được.

– Càng ngày càng cung cấp cho độc giả biết nhiều thông tin hơn nhân vật

Cho độc giả biết nhiều hơn nhân vật nhằm cố ý cho độc giả lợi thế về thông tin khiến độc giả lo lắng (hoặc thích thú) về những nguy hiểm mà nhân vật không biết, sau đó nhân vật mặc dù thiếu thông tin cần thiết nhưng vẫn tìm ra cách giải quyết tốt vấn đề làm cho độc giả khâm phục.

Thỉnh thoảng bạn vẫn có thể khiến độc giả biết rất ít thông tin hơn nhân vật, để họ tò mò và cảm thấy muốn tiếp tục suy đoán về nhân vật của bạn hơn nữa. Việc này tạo tính ly kỳ, càng thêm phần xúc tác cho tác phẩm của bạn.

– Đảm bảo tính tự nhiên của nhân vật

Muốn nhân vật tự nhiên, không gượng ép thì tác giả đừng bao giờ coi nhân vật như những quân cờ để phục vụ cho cái cốt truyện hoặc tư tưởng của mình. Đồng thời, luôn tạo công việc cho tất cả các nhân vật, ngay cả đối với những nhân vật ít khi xuất hiện. Nếu một nhân vật không xuất hiện trong phần được miêu tả của câu chuyện thì không có nghĩa anh ta không hành động, những hành động “ẩn” của anh ta sẽ tương tác tới các nhân vật khác hoặc được tóm tắt lại thông qua các lời kể.

– Đừng bao giờ “đọc” suy nghĩ của nhân vật

Bạn hãy tập trung miêu tả hành động, lời nói, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt… của nhân vật chứ đừng bao giờ được miêu tả trực tiếp những âm mưu, kế hoạch, tính toán, nỗi e ngại, sự vui mừng, lòng căm thù… hay bất cứ thứ gì ẩn sâu bên trong nhân vật. Những thứ đó phải được thể hiện thông qua lời nói, cử chỉ, thái độ của nhân vật và hãy để độc giả đoán ra chúng. Có như vậy thì tác phẩm của bạn mới thật sự thành công vì đã đi được vào lòng người đọc.

Chúc bạn áp dụng thành công và sớm có được những quyển tiểu thuyết để đời nhé!

Nguồn: iREAD

Tiếp tục đọc

Kỹ năng

Làm thế nào để viết tốt hơn?

Bạn không cần phải có năng khiếu mới viết lách tốt đâu, ghi nhớ và rèn luyện 6 bí quyết đơn giản và nhỏ xíu dưới đây, kỹ năng viết của bạn sẽ được nâng cấp mỗi ngày!

Không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu viết lách, cũng không phải ai học ngành sáng tác hay văn học ra cũng sẽ trở thành nhà văn. Kỹ năng viết lách và sáng tạo con chữ sẽ khá lên từng ngày nếu bạn biết cách rèn luyện bản thân.

Mình không học báo chí hay ngữ văn để được dạy bài bản về viết lách, nhưng do thói quen quan sát, đọc sách và tập viết chăm chỉ nên cách vận dụng ngôn ngữ của mình cũng tạm được.

Mình từng làm việc với rất nhiều cộng tác viên, làm quen với nhiều định dạng nội dung và góp nhặt lại làm của riêng. Trước đây, mình thường chỉ viết dạng xã luận, phân tích và nêu quan điểm (mang tính báo chí). Sau làm trong ngành truyền thông, mình linh hoạt hơn với dạng nội dung đứng ở góc nhìn của người đọc.

Viết lách với mình chưa bao giờ là khó khăn, trừ những lúc mình phải sản xuất quá công nghiệp (tức là dồn dập không có thời gian để thu thập thông tin đắt).

Nhiều bạn thường inbox hỏi mình có mở khóa training không, hoặc hỏi về cách viết sao cho tốt, cấu trúc một bài viết như thế nào. Mình cũng nhận thấy quá trình làm việc, nhiều bạn gặp phải các lỗi viết rất cơ bản. Nay mình chia sẻ lại một số kinh nghiệm của mình, hy vọng có ích:

1. Thu thập thông tin

Thời gian viết 1 bài của mình từ 800-1000 từ thường gói gọn trong khoảng 1 tiếng. Nhưng trước khi bắt tay viết, mình sẽ mất cả ngày chỉ để search thông tin liên quan đến điều mình dự định viết.

Bất cứ điều gì mình nêu trong bài, thường sẽ có một câu chuyện hoặc dẫn chứng từ nguồn tin cậy nhằm mang tính thuyết phục hơn. Sau khi có đủ thông tin, mình sẽ liên kết chúng lại với nhau và bắt đầu vận dụng ngôn ngữ. Thông tin không có –> Bài viết sẽ không đủ hấp dẫn. Ít ra, người ta đọc bài thì phải thu lại được gì đó đúng hem?

2. Viết câu ngắn

Khi bạn viết chưa tốt, đừng cố viết những câu dài dòng. Mình thường trở nên nóng tính khi sửa bài quá dài dòng, câu cú vận dụng lung tung cả lên. Một câu mà tới 2-3 cái dấu phẩy là một sự lộn xộn không đáng có.

Nhiều câu ngắn với đủ chủ – vị kết hợp với nhau, sẽ tạo thành một đoạn văn rõ ý. Điều này tốt hơn là cứ cố gắng hoa lá cành, để rồi người đọc bị rối, tự hỏi: “Túm lại là đang nói về cái gì vậy?”

3. Thu lượm vốn từ

Đọc sách, hoặc theo dõi các cây bút viết tốt là cách bạn nâng cao vốn từ của mình lên. Mình thường follow các anh/chị viết tốt (theo quan điểm của mình). Một số họ viết liên tục và có khá nhiều từ hay, từ lạ mà mình thậm chí còn chưa biết tới. Thế là, mình học rất nhanh những từ đó, đem về làm vốn riêng.

Rồi mỗi khi mình viết, mình sẽ có nhiều lựa chọn từ vựng hơn để diễn đạt các ý mình cần. Càng đọc nhiều, càng góp nhặt từ vựng, bạn sẽ tăng % viết lách nhuần nhuyễn lên.

4. Headline gợi hình ảnh, mang tính tò mò

Hồi đó mới làm báo, mình viết các bài khá hàn lâm. Xong bài đăng báo thấy tương tác ít xỉn. Tự thấy: “Ô kì quá vậy, viết cũng ngon lành mà hổng ai thèm xem ta?”.

Rồi đợt đó, trong tòa soạn mình có một chị hễ viết bài nào là bài đó người xem kéo vào nườm nượp. Mình đã ngồi cả tối ở tòa soạn, lục hết bài viết của chị ấy trong 2 năm để xem vấn đề nằm ở đâu. Thì mình nhận ra, chị ấy đặt headline (title hay còn gọi là dòng tít) cái nào cái nấy đều hấp dẫn, mang tính tượng hình. Tức là người ta đọc dòng headline, trong đầu xuất hiện ngay hình ảnh nào đó, khiến người ta tò mò muốn đọc tiếp, và thế là họ click vào.

Mình bắt chước ngay, thay vì nói: “5 điều khiến Nhật Bản thu hút du khách”, mình sẽ đổi thành: “Nhật Bản hút du khách bởi tắm onsen khỏa thân” haha. Đùa đấy, mình không dùng headline này, nhưng mình ví dụ để mọi người dễ hình dung.

Cái này khá quan trọng, nhất là khi áp dụng trên Facebook. Vì bạn chỉ có khoảng 5s để thu hút sự chú ý của người đọc. Nếu làm không tốt khâu này, thì xem như mất đi một view. Người ta lướt qua bài khác ráng chịu.

5. Viết đều và đúng chính tả

Mình khá khó tính và khi đọc một bài sai chính tả, mình dễ bực bội. Viết đúng chính tả là bước đầu tiên để bạn viết tốt, bởi không gì tra tấn người đọc bằng một bài viết mà dấu câu đặt lung tung, từ ngữ vận dụng sai tùm lum.

Mấy bạn gửi CV về cho mình mà viết cái email sai chút thôi mình cũng không ưng đâu. Từ nào bạn không chắc, thì hãy tra từ điển nhen. Viết đúng chính tả là cách để bạn sell bản thân tốt nhất, vì cho người khác thấy bạn cẩn thận, tỉ mỉ và tôn trọng người đọc nữa.

Ngoài ra, bạn hãy viết đều. Nói chung không có gì dễ dàng, cho tới khi bạn luyện tập liên tục. Hãy viết về những thứ xảy ra hàng ngày, có khối thứ hay ho để kể.

6. Quan sát, quan sát và quan sát

Không biết do mình nhạy cảm hay sao mà mình rất hay quan sát xung quanh. Quan sát là yếu tố mình rất đề cao khi muốn viết gì đó hay. Bởi không nhìn kỹ, rồi đặt các câu hỏi phù hợp, thì bạn chỉ nhìn thấy bề nổi, chưa thể cảm nhận được sâu sắc.

Mà không cảm nhận sâu sắc điều gì, thì làm sao bạn kể lại cho người khác nghe thuyết phục được? Do đó, mỗi ngày tập quan sát, đưa mình vào câu chuyện và tập viết lại. Lúc đầu sẽ vụng về, nhưng dần dần, bạn sẽ dễ đưa cảm xúc vào bài viết. Cái gì đi từ cảm xúc thì sẽ chạm cảm xúc. Viết hay tự nhiên dễ ợt.

….
Tạm thời mình liệt ra vài yếu tố như vầy thôi. Khi nào có gì hay ho, mình sẽ chia sẻ tiếp hehe. Chúc các bạn, các em đang lúng túng khi viết thấy được sự hữu ích của bài viết này.

Nguồn: FB Nguyễn Thảo Nghi

Tiếp tục đọc

Xu hướng